Khi con đau khổ, Thiên Chúa ở đâu?

Nếu được bình chọn ai là người xui xẻo nhất, đau khổ nhất hành tinh, thì người đời phải để tâm bầu chọn cho ông Gióp. Ông là ai?

Tên ông được lấy làm tựa đề một cuốn sách trong Kinh Thánh. Trong đó, từng dòng chữ lột tả hết thân phận bi thương của ông. Khi đọc sách ông Gióp, người ta có thể thấy nhiều bất công. Ở hiền sao ông không gặp lành? Ông làm gì sai mà bị quả báo đến nỗi khó có ai đau khổ như ông. Những đau khổ ta đang phải chịu so với núi xui xẻo, nỗi đau đớn tận cùng của ông thì chẳng thấm vào đâu!

Ông Gióp là người công chính, giàu sang và hằng tôn thờ Thiên Chúa. Đàn gia súc của ông nhiều khôn kể, bất động sản của ông cò bay thẳng cánh, ông có con đàn cháu đống. Ông tốt bụng, hiền lành và thương người. Đặc biệt, ông một lòng tin tưởng vào Thiên Chúa và phó thác mọi sự trong tay Đức Chúa. Với những đặc tính ấy, ông được Thiên Chúa khen ngợi và giữ gìn.

Tuy nhiên, Satan, ác quỷ là kẻ luôn mang đến cho người ta đau khổ và chết chóc. Nó tin rằng con người chỉ tin Thiên Chúa trong hoàn cảnh ăn sung mặc sướng; còn khi đau khổ đến thì con người chẳng biết Thiên Chúa là ai.[1] Để chứng minh điều này, Satan xin với Thiên Chúa thử thách ông Gióp. Nó tin rằng khi đau khổ đến, Gióp cũng nguyền rủa Thiên Chúa, sụp đổ hoàn toàn. Sau lần trò chuyện đó, Thiên Chúa cho phép Satan làm mọi thứ với Gióp, nhưng không được lấy mạng ông.[2]

Từ đó người ta chứng kiến biết bao chuyện khổ đau đổ xuống cuộc đời ông. Người ta cướp phá tài sản của ông. Các con ông bị tai nạn qua đời. Có lẽ đau khổ hơn hết là thân thể ông tự dưng bị lở loét. Từng thớ thịt u nhọt bủa vây ông. Chắc ta chẳng thể tưởng tượng được nỗi đau ông phải chịu. Đúng là có đứt tay mới biết đau thế nào! Hay nói như cụ Nguyên Du: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Ngoài những đau thương ấy, ông còn bị người đời soi mói, mỉa mai và đay nghiến. Chỉ có kẻ tội lỗi, làm điều xấu xa mới chịu đau khổ như thế. Ông phân trần: Tôi đâu làm gì sai!

Khổ đau quá, ông trách mình, nguyền rủa ngày ông chào đời (G 3,1-26). Trách thân xong, ông quay sang Đức Chúa. Ông còn muốn tìm Chúa để đôi co, tranh luận (G 13,3). Nhưng biết tìm Chúa ở đâu? Ông hy vọng có ai đó bệnh vực và chữa lành cho ông. Nhưng dường như ông vẫn phải ở trong đau khổ. Trên hết, ông không bao giờ từ bỏ niềm xác tín của mình là: người công chính luôn nắm phần chiến thắng!

Người đời ngả mũ khen niềm tin và lòng kiên nhẫn của ông trong cơn đau khổ. Thử hỏi ai làm được như ông: “Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng Đức Chúa” (G 1,21). Tuy nhiên, người ta cũng thông cảm cho ông vì những lần ông tìm Chúa để phân trần, để đôi co về những đau khổ. Đừng quên, ông cũng là người trần mắt thịt với những cảm xúc tự nhiên của kiếp người. Do đó, khi đau khổ quá, ông thống thiết kêu gào đến tận trời xanh. Biết bao lần ông hỏi Chúa: “Tại sao, tại sao và tại sao?” “Thiên Chúa tốt lành, thì đau khổ ở đâu ra?” “Thiên Chúa có công bình không?” Đức Chúa dường như vẫn hơi lặng tiếng và tiếp tục thử thách ông. Lạ thay, ông Gióp vẫn tin tưởng và trân nhận quyền năng cao cả của Thiên Chúa (G 5-13).

Đúng là niềm tin có sức giúp ông vượt qua tất cả và tìm lại được mọi thứ. Ở tận cùng nỗi đau, chính Đức Chúa đến và trao lại cho ông hơn những gì ông mất. Ông đong cho Chúa đấu nào, thì giờ đây Thiên Chúa trả lại cho ông những đấu ân sủng đầy dư! Ông được Thiên Chúa chữa lành bệnh tật. Ông giàu có hơn trước. Nhất là ông được sống lâu và hạnh phúc miên trường. Đó chẳng phải là phần thưởng xứng đáng dành cho những ai tin tưởng, trông cậy vào Thiên Chúa sao?

Đó là chuyện trong Kinh Thánh. Ngoài đời chúng ta cũng bắt gặp nhiều người đang phải chịu đau khổ. Tiếc là khổ đau, bệnh tật không tha một ai, và nó cũng đang bám lấy chúng ta. Trong văn học Việt Nam thì sao? Chị Dậu (Tắt Đèn) chẳng phải là ví dụ điển hình cho những người phụ nữ khổ đau thời phong kiến sao? Chí phèo (Đời Thừa) chẳng phải là những người đang chịu sức nặng của cường hào ác bá sao? Hoặc, chính cô Mị (Vợ Chồng A Phủ) đã chọn ăn lá ngón để giải thoát nỗi đau đó sao? Bên cạnh đó, trên báo đài không ít những mảnh đời bất hạnh, những cuộc đời trần ai đó sao? Gần hơn, chính họ hàng, gia đình và mỗi người chúng ta cũng đang có những khổ đau riêng đó sao? Những nhân vật vừa kể và chính chúng ta có làm điều gì gian ác mà phải chịu quả báo khủng khiếp đến thế? Nói cho cùng người ta vẫn thừa nhận rằng đau khổ là một mầu nhiệm!

Vậy ai có thể giải thoát chúng ta khỏi đau khổ? Mỗi tôn giáo đều có câu trả lời thú vị về vấn đề này. Là người Công giáo, khi đau khổ, chúng ta có dám kêu lên: Thiên Chúa đang ở đâu khi con đau khổ? Kêu gào không để đay nghiến, trách móc Chúa cho bằng, để xin Ngài trợ giúp. Đừng quên chính Đức Giêsu cũng chịu biết bao đau khổ, và phải chết tất tưởi trên thập giá. Đức Giêsu đón nhận muôn vàn cực hình với tất cả tình yêu và niềm tin tưởng vào Chúa Cha. Nhờ đó, Ngài đã chiến thắng và mở ra một con đường giúp người ta đón nhận khổ đau trong bình an.

Nói về đau khổ, hoặc ủi an người khổ đau thì dễ vô cùng. Chỉ người trong cuộc mới thấm thía thế nào là tận cùng của nỗi đau. Tuy nhiên, câu chuyện ông Gióp trên đây phần nào giúp cho những người đang gặp đau khổ, những gia đình đang gặp khó khăn, biết phải làm gì. Có thể than thở với Chúa một chút; có thể hỏi Chúa tại sao; có thể phân trần với Chúa; có thể van nài Thiên Chúa và có thể nguyện cầu với Chúa. Xin nhớ rằng: “Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa.” (G 1,22).

Nhưng trên hết, xin đừng bỏ cuộc, xin đừng mất niềm tin vào Thiên Chúa quan phòng và yêu thương. Với tâm thế ấy, chúng ta cầu chúc cho nhau có thể vượt qua những đau khổ ở đời này. Đừng trách đau khổ vì nó không có lỗi. “Thà thắp lên một ngọn nến, hơn là nguyền rủa bóng đêm.” (Eleanor Roosevelt). Bởi nói như cụ Phan Bội Châu: “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai.” Đường ấy có thể dễ đi hơn chỉ khi ta: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.” (Tv 37,5).

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Ma quỷ liền trả lời: “Dĩ nhiên là hắn vâng lời và tuân phục Ông, vì Ông đã che chở và ban phát cho hắn đầy đủ mọi thứ: Nhà cửa, súc vật, ruộng nương, vợ đẹp con khôn. Thử lấy đi hết những gì hắn đang thụ hưởng, xem hắn có nguyền rủa Ông hay không?”

[2] Ở điểm này, chúng ta có thể bức bối với quyết định lạ lùng của Thiên Chúa. Ngài tốt lành và yêu thương con người, tại sao Ngài lại cho Satan hay đau khổ dày xéo thân phận con người? Đành rằng mỗi đau khổ đều có ẩn giấu một sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gửi ta, nhưng sao Ngài không dùng cách khác? Chắc chúng ta tạm chấp nhận giải thích của thánh Thánh Tôma Aquinô: “Thiên Chúa vẫn luôn có thể rút ra những điều tốt lành từ những sự dữ. Chẳng một đau khổ nào ta có thể giải mã được. Nhưng nó vẫn luôn đặt nền tảng trên sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa.” (Youcat 51).

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.