THÁI ĐỘ NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỚC VẤN ĐỀ GIÁO HỘI & SỰ LẠM DỤNG TÌNH DỤC

THÁI ĐỘ NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỚC VẤN ĐỀ GIÁO HỘI & SỰ LẠM DỤNG TÌNH DỤC

Fr. Roger Landry Dịch giả: Pt Giuse Trần Văn Nhật

LTS: Ðây là bài giảng của Cha Roger Landry, thuộc giáo phận Fall River, Hoa Kỳ, vào ngày 3 tháng Hai, 2002, nhưng nội dung vẫn có thể áp dụng cho hoàn cảnh hiện nay trong Giáo Hội Hoa Kỳ.

Trong những tuần vừa qua, báo chí trên toàn quốc Hoa Kỳ đã đăng tải những tin thật buồn cho Giáo Hội Công Giáo về vấn đề các linh mục, giám mục ở Boston, Florida đã lạm dụng tình dục của các thiếu niên là những người mà các đấng tận hiến cuộc đời để phục vụ. Ðó là sự nhục nhã lớn lao mà những người đã từng chỉ trích Giáo Hội trước đây về các giáo huấn đạo đức luân lý, nay lại dùng đề tài này để tấn công toàn thể Giáo Hội, như thể muốn nói rằng họ luôn luôn đúng. Nhiều giáo dân đến chia sẻ với tôi về điều này. Nhiều người khác cũng muốn nói lên cảm nghĩ của họ về các tin tức ấy, nhưng có lẽ vì e ngại hoặc vì tôn trọng, nên họ đã im lặng, nhưng hiển nhiên đó là điều đang đè nặng tâm tư họ. Và do đó, hôm nay, tôi muốn thẳng thắn đối diện với vấn đề. Anh chị em có quyền được biết. Chúng tôi không thể làm ngơ coi như không có. Và tôi muốn đề cập đến thái độ phải có của một tín hữu Công Giáo về sự sỉ nhục khủng khiếp này.

Ðiều đầu tiên chúng ta cần phải làm là tìm hiểu vấn đề ấy qua cái nhìn của đức tin nơi Thiên Chúa. Trước khi Ðức Giêsu chọn người môn đệ đầu tiên, Người đi lên núi cầu nguyện suốt đêm. Và rồi có nhiều người theo Ðức Giêsu, trong những người ấy, đặc biệt có mười hai người được chọn làm tông đồ. Mười hai người này được chính Ðức Giêsu huấn luyện một cách tận tình, mười hai người này được Người sai đi rao giảng Tin Mừng nhân danh Người. Ðức Giêsu đã ban cho họ quyền xua đuổi ma quỷ, chữa lành người bệnh tật. Họ thấy Người làm biết bao phép lạ. Và chính họ, khi nhân danh Ðức Giêsu, họ cũng làm nhiều phép lạ. Tuy nhiên, bất kể những điều ấy, một người trong bọn họ đã phản bội. Người ấy đã từng đi theo Ðức Giêsu, đã từng được Người rửa chân, đã từng thấy Người đi trên mặt nước, làm cho kẻ chết sống lại, tha thứ kẻ tội lỗi, nhưng người ấy đã phản bội Ðức Giêsu. Phúc Âm kể cho chúng ta biết hắn đã bán Người với giá 30 đồng bạc, và trao nộp Người bằng một nghĩa cử giả dối của tình yêu. “Giuđa,” Ðức Giêsu nói với hắn trong vườn Giệtsimani, “không lẽ anh nộp Con Người với một cái hôn sao?” Ðức Giêsu không chọn Giuđa làm người phản bội mình. Người chọn hắn để trở nên như bao người khác. Nhưng Giuđa luôn luôn có sự tự do, và hắn đã dùng sự tự do của mình để cho phép Satan xâm nhập chính mình, và qua sự phản bội, sau cùng Ðức Giêsu đã bị khổ hình thập giá và bị hành quyết.

Như thế, ngay từ mười hai người đầu tiên mà chính Ðức Giêsu tuyển chọn, đã có một người phản bội. Ðôi khi chính người Chúa chọn lại phản bội Người. Ðó là một sự thật mà chúng ta phải đối diện. Ðó là một sự thật mà Giáo Hội thời tiên khởi đã phải đối diện. Giả như mọi phần tử của Giáo Hội thời tiên khởi chỉ lo lắng đến sự xỉ nhục do Giuđa gây nên thì có lẽ Giáo Hội đã tàn lụi từ lâu. Thay vào đó, Giáo Hội ý thức rằng chúng ta không thể xét đoán một tổ chức qua những người không hoạt động cho tổ chức ấy mà phải để ý đến những người sống chết cho tổ chức. Thay vì để ý đến người phản bội, họ đã để ý đến mười một người khác, đến giá trị của các công việc, của sự rao giảng, của các phép lạ, và đời sống bác ái vì Ðức Kitô. Nhờ đó, chúng ta mới hiện diện ngày hôm nay. Chính mười một người ấy, ngoại trừ Thánh Gioan, tất cả đều chịu tử đạo vì Ðức Kitô và vì Phúc Âm mà họ sẵn sàng hy sinh mạng sống để loan truyền cho thế hệ mai sau, để chúng ta được nghe lời cứu độ của Thiên Chúa, được lãnh nhận các bí tích sự sống đời đời. Ngày nay cũng vậy. Có thể chúng ta chỉ để ý đến những người phản bội Chúa, những người lạm dụng thay vì yêu thương kẻ khác. Hoặc như Giáo Hội thời tiên khởi đã làm, chúng ta có thể chú ý đến những người khác, những người còn trung tín, là các linh mục, các tu sĩ nam nữ vẫn dâng hiến đời mình để phục vụ Ðức Kitô và phục vụ anh chị em vì tình yêu. Hầu như, giới truyền thông không bao giờ chú ý đến “mười một người” tốt lành, đó là những người đã được Chúa chọn, vẫn trung tín, vẫn sống một cuộc đời thánh thiện âm thầm. Nhưng chúng ta, là Giáo Hội, phải tôn trọng sự thật của sự xỉ nhục khủng khiếp ấy với tất cả mọi khía cạnh.

Thật không may, sự xỉ nhục không phải là một điều mới mẻ trong Giáo Hội. Ðã có nhiều lần trong lịch sử, Giáo Hội còn tệ hại hơn ngày nay. Lịch sử Giáo Hội như một đường gợn sóng, có những lúc lên lúc xuống. Ở những điểm thật thấp trong Giáo Hội, Thiên Chúa lại đưa ra các vị đại thánh để đem Giáo Hội về lại với sứ vụ đích thực của mình. Hầu như trong những lúc tăm tối nhất, Ánh Sáng Ðức Kitô lại rực rỡ nhất. Tôi muốn lưu ý đến một vài vị thánh mà Thiên Chúa đã đưa ra trong những thời điểm khốn khó nhất, vì sự khôn ngoan của các đấng có thể hướng dẫn chúng ta trong thời kỳ khó khăn này.

Thánh Phanxicô “de Sales” là một vị thánh mà Thiên Chúa đã đưa ra sau thời kỳ Cải Cách Tin Lành. Chính yếu, cuộc Cải Cách Tin Lành xảy ra không phải vì lý do thần học hay đức tin–dù sau này có sự khác biệt về thần học–nhưng vì lý do luân lý. Martin Luther, một tu sĩ dòng Augustine đến Rôma trong triều đại giáo hoàng khét tiếng nhất lịch sử, Ðức Giáo Hoàng Alexander VI. Vị giáo hoàng này chưa bao giờ giảng dạy điều gì trái với đức tin nhưng ông là một người đồi bại. Ông có chín người con từ sáu nàng hầu. Ông cắt đứt liên lạc với những ai mà ông coi là kẻ thù. Martin Luther đến Rôma trong triều đại giáo hoàng này và tự hỏi làm thế nào Thiên Chúa lại để cho một người đồi bại như thế đứng đầu Giáo Hội. Luther trở về Ðức và chứng kiến đủ mọi loại đồi trụy. Các linh mục, tu sĩ ăn ở công khai với các phụ nữ. Một số khác kiếm tiền bằng cách buôn thần bán thánh. Và vì “thượng bất chính, hạ tắc loạn” nên giáo dân cũng sa đọa khủng khiếp. Như bất cứ ai kính mến Thiên Chúa, Luther cảm thấy nhục nhã vì sự nhũng lạm ấy. Do đó ông thành lập một Giáo Hội cho chính ông. Sau này Thiên Chúa đã đưa ra nhiều vị thánh để chống với giải pháp sai trái của Luther và đưa người dân trở về với Giáo Hội mà Ðức Kitô đã thành lập. Thánh Phanxicô “de Sales” là một trong những vị ấy. Người liều mình đến Thụy Sĩ, là nơi phái Tin Lành Calvin đang phát triển mạnh. Nhiều lần người bị đánh đập trên đường đi và bị bỏ mặc cho chết. Có lần người được yêu cầu đề cập đến tình trạng xỉ nhục gây nên bởi các anh em linh mục. Ðiều người nói thật quan trọng cho chúng ta hôm nay cũng như cho những người thời ấy. Người nói, “Những ai gây nên các điều xỉ nhục này là phạm tội tương đương với tội giết người về đàng tinh thần,” vì hủy hoại đức tin của người dân bằng gương mù gương xấu của mình. Nhưng sau đó, người cảnh cáo giáo dân, “Nhưng tôi đến đây để ngăn chặn một điều xấu xa hơn cho anh chị em. Trong khi những người gây nên sự xỉ nhục thì phạm tội tương đương với tội giết người về đàng tinh thần, còn những ai coi trọng sự xỉ nhục ấy–để nó tiêu diệt đức tin của mình–cũng phạm tội tự tử về đàng tinh thần.” Người nói, họ có tội cắt đứt sự sống với Ðức Kitô, từ bỏ nguồn mạch sự sống trong các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Người đã đi khắp Thụy Sĩ để ngăn cản người dân đừng phạm tội tự tử tinh thần vì sự xỉ nhục. Hôm nay, tôi cũng muốn rao giảng điều ấy cho anh chị em.

Như vậy, phản ứng của chúng ta phải là gì? Một vị đại thánh khác sống trong thời kỳ vô cùng khó khăn có thể giúp chúng ta về điều này. Ðại thánh Phanxicô Assisi sống trong thập niên 1200, là thời kỳ vô luân lý khủng khiếp ở miền trung nước Ý. Các linh mục làm gương mù gương xấu. Giáo dân lại càng đồi bại hơn. Chính Thánh Phanxicô trong khi là thanh niên cũng đã làm gương xấu cho người khác, qua lối sống vô tư của mình. Nhưng sau đó, người trở lại với Thiên Chúa, sáng lập dòng Phanxicô, giúp Thiên Chúa xây dựng lại Giáo Hội và trở nên vị đại thánh của mọi thời đại. Có lần, một tu sĩ đặt câu hỏi. Tu sĩ này rất khó chịu về các vụ bê bối, ông hỏi, “Này anh Phanxicô. Anh sẽ làm gì nếu anh biết một linh mục cử hành Thánh Lễ mà có ba nàng hầu bên cạnh?” Thánh Phanxicô từ tốn trả lời, “Ðến lúc chịu lễ, tôi sẽ lên rước Mình Thánh Chúa từ bàn tay được xức dầu của linh mục ấy.” Ðiều Thánh Phanxicô hiểu là gì? Người hiểu về một chân lý bao la của đức tin và ơn sủng bao la của Thiên Chúa. Bất kể vị linh mục có tội lỗi thế nào đi nữa, miễn là người có ý định thi hành theo như Giáo Hội muốn– thí dụ, trong Thánh Lễ, để biến đổi bánh và rượu trở nên Mình và Máu Ðức Kitô, hay trong khi xưng tội, bất kể vị linh mục có tội lỗi thế nào đi nữa, để tha tội cho hối nhân–thì chính Ðức Kitô đã hành động qua thừa tác viên ấy trong các bí tích. Dù Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cử hành Thánh Lễ hay một linh mục bị kết án tử hình vì trọng tội cử hành Thánh Lễ, chính Ðức Kitô đã hành động và trao ban Mình và Máu của Người. Do đó, điều Thánh Phanxicô muốn nói là người không để sự đồi bại hay sự vô luân của linh mục ấy đưa người đến sự tự tử về đàng tinh thần. Ðức Kitô vẫn có thể và thực sự Người đã hành động qua ngay cả các linh mục tội lỗi nhất. Và tạ ơn Chúa! Nếu chúng ta luôn luôn trông nhờ vào sự thánh thiện riêng của các linh mục, chúng ta sẽ gặp khó khăn. Linh mục được Thiên Chúa chọn giữa muôn người, và họ bị thử thách cũng như bất cứ ai khác và cũng sa ngã phạm tội. Nhưng Thiên Chúa biết điều ấy ngay từ thuở ban đầu. Mười một người trong nhóm mười hai tông đồ đầu tiên đã tan tác khi Ðức Kitô bị bắt, nhưng họ đã trở lại. Một trong mười hai người ấy đã phạm tội phản bội Chúa và thật buồn, ông không bao giờ trở lại. Nhưng Thiên Chúa đã thiết lập các bí tích “tách biệt với linh mục,” trong ý nghĩa sự thánh thiện riêng của họ. Bất kể họ có thánh thiện, hay đồi trụy thế nào đi nữa, miễn là họ có ý định thi hành đúng như Giáo Hội muốn, thì chính Ðức Kitô đã hành động, cũng như Người đã hành động qua Giuđa khi Giuđa trừ quỷ hay chữa lành kẻ bệnh tật.

Và một lần nữa, tôi hỏi, “Giáo Hội phải phản ứng như thế nào trước những hành động này?” Ðã quá nhiều ý kiến trên các báo chí. Giáo Hội phải kỹ càng hơn trong việc tuyển chọn tân chức, phải đảm bảo là không có ai bị bệnh loạn dâm với trẻ em được chịu chức? Thật đúng như vậy. Nhưng điều đó chưa đủ. Giáo Hội phải thận trọng hơn trong việc xử lý khi được báo cáo? Giáo Hội đã thay đổi cách xử lý, và ngày nay các đường lối ấy tốt hơn nhiều so với thập niên 1980, nhưng luôn luôn được thay đổi cho tuyệt hảo hơn. Dù vậy, vẫn chưa đủ. Ðức Hồng Y Law đã nhờ đến ban giám đốc trường y khoa ở Boston thiết lập một trung tâm nghiên cứ nhằm ngăn ngừa sự lạm dụng trẻ em, đó là điều mà tất cả chúng ta phải hỗ trợ. Dù vậy, phản ứng đó vẫn chưa đủ. Chỉ một phản ứng đầy đủ đối với sự xỉ nhục lớn lao này, một phản ứng của toàn thể Giáo Hội Công Giáo đối với điều tiếng xấu này–là như Thánh Phanxicô Assisi đã thể hiện trong thập niên 1200, như Thánh Phanxicô “de Sales” thể hiện trong thập niên 1600–đó là sự THÁNH THIỆN! Mỗi một khủng hoảng mà Giáo Hội phải đương đầu, mỗi một khủng hoảng mà thế giới phải đối diện là sự khủng hoảng thánh thiện. Sự thánh thiện là chủ yếu, vì đó là khuôn mặt thật của Giáo Hội. Luôn luôn có những người–các linh mục thường gặp, mà có lẽ anh chị em cũng biết một vài người–bào chữa cho lý do tại sao họ không sống đức tin, tại sao họ tự tử một cách dần mòn về đàng tinh thần. Có thể là vì khi họ còn nhỏ, một “ma-sơ”, một “ông frère” đã quá dữ tợn với họ. Hay là vì họ không hiểu giáo huấn của Giáo Hội về một vấn đề đặc biệt nào đó–và họ coi các lý do này thật chính đáng đến độ có thể biện minh cho việc không sống đạo, và khiến họ cảm thấy yên ổn lương tâm dù không thi hành những điều mà họ biết là phải thi hành. Ngày nay, không thiếu những người này–có lẽ anh chị em cũng đã gặp–những người nói rằng, “Tại sao tôi phải sống đức tin, tại sao tôi phải đi nhà thờ, vì Giáo Hội không còn chân chính khi những người được-gọi-là Chúa chọn lại có thể thi hành những điều nhục nhã ấy?” Sự xỉ nhục này là một cái móc vĩ đại mà trên đó nhiều người sẽ tìm cách treo sự bào chữa của mình lên khi họ không sống đức tin. Ðó là lý do tại sao sự thánh thiện lại quan trọng. Họ cần tìm thấy nơi chúng ta một lý do để tin, một lý do để hy vọng, một lý do để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa. Tám mối phúc thật trong Phúc Âm là công thức cho sự thánh thiện. Chúng ta cần sống các phúc thật ấy nhiều hơn nữa. Các linh mục có cần phải thánh thiện hơn không? Chắn chắn là như vậy. Các tu sĩ nam nữ có phải trở nên thánh thiện hơn nữa và càng trở nên nhân chứng cho Chúa hay không? Tuyệt đối đúng như vậy. Nhưng mọi người trong Giáo Hội cũng phải như vậy, kể cả giáo dân! Tất cả chúng ta đều được mời gọi để trở nên thánh và sự khủng hoảng trong Giáo Hội ngày nay là một thức tỉnh ơn gọi ấy.

Ðây là thời kỳ khó khăn cho một linh mục. Ðây là thời kỳ khó khăn cho một người Công Giáo. Nhưng nó cũng là thời kỳ thật tốt đẹp cho một linh mục và cho một người Công Giáo. Ðức Giêsu nói trong các mối phúc thật, “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” Tôi là người trực tiếp cảm nghiệm điều ấy, cũng như một vài linh mục mà tôi quen biết. Vào hôm đầu tuần, sau khi tôi chấm dứt tập thể thao ở phòng tập và đi về trong chiếc áo đen của tu sĩ. Một bà mẹ, khi trông thấy tôi, đã vội vàng kéo đứa con của bà sang một bên và bao che nó khi tôi đi ngang qua. Bà theo dõi tôi cho đến khi tôi đã đi được một quãng rồi bà mới thả tay đứa con ra–như thể tôi sẽ tấn công con bà ngay giữa ban ngày trong phòng tập thể dục. Khi chúng ta có thể bị đau khổ vì những xúc phạm như thế và bị vu khống vì Ðức Kitô, thật ra chúng ta phải vui mừng. Ðây là thời gian tốt đẹp để trở nên một Kitô Hữu, đây là thời gian mà Thiên Chúa thực sự cần đến chúng ta để cho mọi người thấy được bộ mặt thật của Người. Ðã có lần trong quá khứ, Giáo Hội được tôn trọng. Linh mục được tôn trọng. Bây giờ không còn nữa. Một trong những vị giảng thuyết đại tài của Công Giáo Hoa Kỳ là Ðức Giám Mục Fulton J. Sheen, người thường nói rằng người thích sống trong những thời kỳ mà Giáo Hội bị đau khổ hơn là thời thịnh vượng, khi Giáo Hội phải tranh đấu, khi Giáo Hội phải đi ngược với trào lưu văn hóa. Ðó là thời kỳ mà những ai là con người thực mới dám đứng lên và được kể là có giá trị. Người thường nói, “Ngay cả các xác chết cũng có thể trôi theo dòng sông,” người ám chỉ rằng ai ai cũng có thể hùa theo khi Giáo Hội được tôn trọng, “nhưng phải là một con người thực sự mới dám lội ngược dòng.” Thật đúng là dường nào! Phải là những con người thực sự mới đứng lên và bơi ngược với dòng nước đang tấn công Giáo Hội. Phải là những người thực sự mới nhận ra rằng khi bơi ngược dòng chỉ trích, họ cần bám lấy Tảng Ðá, mà trên đó Ðức Kitô đã xây dựng Giáo Hội của Người. Ðây là một trong những thời kỳ đó. Ðây là thời gian tốt đẹp để trở nên một Kitô Hữu.

Một vài người tiên đoán rằng Giáo Hội đang trải qua thời kỳ biến động, và Giáo Hội sẽ tồn tại, vì Chúa sẽ gìn giữ Giáo Hội. Một lần phục hồi trong lịch sử Giáo Hội xảy ra cách đây 200 năm. Hoàng đế nước Pháp là Napoléon đã nuốt cả Âu Châu với đạo quân to lớn muốn thống trị cả thế giới. Ông nói với Ðức Hồng Y Consalvi, “Tôi sẽ tiêu diệt Giáo Hội của ông!” Ðức hồng y trả lời, “Ông không thể làm nổi.” Napoléon lập lại, “Nhưng tôi sẽ tiêu diệt Giáo Hội của ông!” Ðức hồng y vẫn tin tưởng trả lời, “Không, ông không thể nào làm nổi. Nếu các giáo hoàng xấu xa, các linh mục sa đọa và hàng ngàn người tội lỗi trong Giáo Hội cũng đã không thể thành công trong việc tiêu diệt Giáo Hội ngay tự bên trong, thì làm sao ông có thể làm được điều đó?” Ðức hồng y muốn nói đến một chân lý quan trọng. Ðức Kitô sẽ không bao giờ để cho Giáo Hội của Người bị thất bại. Người hứa rằng cửa hỏa ngục cũng không thể thắng được Giáo Hội của Người, và con thuyền của Phêrô, là Giáo Hội sẽ vượt qua giông tố đến bến vĩnh cửu trên thiên đàng, sẽ không bao giờ bị lật úp, không phải vì những người trong con tầu ấy không làm gì tội lỗi để có thể lật nó được, nhưng vì Ðức Kitô, Người ở trong con tầu, sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra. Ðức Kitô hiện vẫn ở trong con tầu và Người không bao giờ rời bỏ con tầu ấy. Mức độ lớn lao của sự xỉ nhục này có thể khiến anh chị em thấy thật khó để tin tưởng các linh mục như trước đây. Có thể là như vậy, và có lẽ điều đó cũng không quá xấu. Nhưng đừng bao giờ mất niềm tin nơi Ðức Kitô! Ðó là Giáo Hội của Người. Ngay cả khi những người được chọn phản bội Người, Người sẽ gọi những người khác, trung tín hơn và phục vụ anh chị em với tình yêu mà anh chị em đáng được phục vụ, cũng như sau khi Giuđa tự tử, mười một tông đồ đã họp lại và để Chúa chọn một người khác thế chỗ Giuđa, và họ đã chọn Thánh Matthias, là người rao giảng Phúc Âm cho đến khi chết vì đạo.

Ðây là thời kỳ mà tất cả chúng ta cần chú ý hơn bao giờ hết đến sự thánh thiện. Chúng ta được mời gọi để trở nên thánh và xã hội ngày nay cần được nhìn thấy diện mạo sáng láng, xinh đẹp của Giáo Hội. Anh chị em là một phần trong giải pháp ấy, phần quan trọng của giải pháp. Và hôm nay, khi anh chị em tiến lên lãnh nhận Mình Thánh Chúa từ bàn tay được xức dầu của linh mục, hãy xin Chúa đổ đầy trên anh chị em niềm khao khát thực sự để nên thánh, niềm khao khát thực sự muốn phô bầy diện mạo thật của Ðức Kitô. Một trong các lý do tại sao tôi đứng trước mặt anh chị em hôm nay như một linh mục là vì khi còn nhỏ, tôi bất mãn với một số linh mục. Tôi thấy họ cử hành Thánh Lễ thật vô tâm và hầu như không một chút gì kính trọng họ đặt Mình Thánh Chúa lên đĩa như một vật gì tầm thường chứ không coi đó là Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Chuộc CỦA TÔI. Tôi nhớ có tâm sự với Chúa khi nhắc lại ước ao làm linh mục, “Lạy Chúa, xin giúp con trở nên một linh mục, để con có thể đối xử với Chúa một cách xứng đáng!” Lời nguyện ấy bừng cháy trong tôi khao khát phục vụ Thiên Chúa. Có lẽ, điều xỉ nhục hôm nay cũng có thể giúp anh chị em làm giống như vậy. Sự xỉ nhục này có thể đưa anh chị em xuống con đường tự tử tâm linh, hay nó có thể trở nên một điều hứng khởi anh chị em, để nói với Chúa rằng, “Ôi lạy Chúa, con muốn trở nên một vị thánh để Giáo Hội có thể trưng ra bộ mặt thật của Chúa cho thế gian, để người ta có thể tìm thấy trong Chúa tình yêu và sự cứu độ mà con đã tìm thấy.” Ðức Giêsu luôn ở với chúng ta cho đến tận thế, như Người đã hứa. Người vẫn ở trong con tầu. Cũng như vì Giuđa phản bội, Người đã biến đổi sự phản bội ấy trở nên điều tốt lành vĩ đại cho thế gian, là sự cứu độ chúng ta qua Thập Giá, sự chết và sự Phục Sinh của Người, thì qua sự xỉ nhục hôm nay Người cũng sẽ đem, và muốn đem lại sự tái sinh mới mẻ của sự thánh thiện, một Công Vụ Tông Ðồ mới cho thế kỷ 21, với mỗi một người trong chúng ta–và điều đó bao gồm cả ANH CHỊ EM–đang đóng một vai trò quan trọng. Bây giờ là thời điểm của những con người thực của Giáo Hội phải đứng lên. Bây giờ là thời điểm của các thánh. Anh chị em đáp ứng như thế nào?