6 THÓI QUEN RẤT ÍT HIỆU QUẢ TRONG GIÁO HỘI

6 THÓI QUEN RẤT ÍT HIỆU QUẢ TRONG GIÁO HỘI

Msgr. Charles Pope Pt Nhật lược dịch

Cơn bão gần đây nhất – nó được bắt đầu trước khi có Báo Cáo của Bồi Thẩm Đoàn – và phản ứng mạnh mẽ trong giới Công Giáo đã khiến nhiều giám mục không kịp đề phòng. Nó được dùng để nêu ra nhiều trở ngại về cơ cấu trong Giáo Hội mà nhiều người giận dữ một cách chính đáng. Cái nồi to lớn này không bỗng dưng sôi sùng sục. Nó đã âm ỉ trong nhiều năm – thực sự là nhiều thập niên. Quá nhiều người Công Giáo phải đau khổ từ lâu vì những giám mục ngày càng xa cách và mất liên lạc, họ nói về những vấn đề ít quan trọng hơn và bỏ qua những lưu tâm về sự lạm dụng phụng vụ, sự bất quy phục và hành vi sai trái của các linh mục.

Trong bài này tôi muốn nhắm đến một danh sách các yếu tố góp phần cho sự khủng hoảng hiện nay. Danh sách của tôi thì chưa đầy đủ và sẽ phải có một bài nữa để kể ra các yếu tố khác. Những nhận xét này thì tổng quát về bản chất và không áp dụng cho mọi giám mục hay giáo phận, linh mục hay giáo dân. Tôi trình bày với sự khiêm tốn rằng tôi cũng không quản trị một giáo xứ tuyệt hảo, và ít nhiều, tôi cũng bị vướng vào những phê bình ở đây. Xin Chúa thương xót.

Và vì thế chúng ta tiếp tục suy nghĩ về một số chiều hướng không lành mạnh và thái quá ở đằng sau sự bất mãn hiện thời của chúng ta trong mùa hè.

1Sự tôn kính không lành mạnh. Các giám mục thường khôi hài rằng khi một người được tấn phong giám mục, có hai điều chắc chắn xảy ra – người ấy sẽ không bao giờ có bữa ăn tệ, và người ấy sẽ không bao giờ được nghe sự thật. Quả thật là người ta không thoải mái trước sự hiện diện của đấng có quyền, và có một loại tôn kính không lành mạnh mà nhiều người dùng nó để kềm hãm những căng thẳng. Hiếm khi có người dám nhìn thẳng vào các giám mục và trân trọng bất đồng ý với người, hoặc dám đề nghị rằng chính sách hay quan điểm của người cần được điều chỉnh lại. Và nếu có ai dám làm điều này, họ thường bị người khác khiển trách là đi quá giới hạn.

Sự tôn kính không lành mạnh thì không phải là lỗi của các giám mục mà thôi. Có một chiều kích văn hóa mà nó đưa đến việc nịnh bợ và tâng bốc thái quá khi có sự hiện diện của đấng có quyền, và khi sau lưng họ thì lại phẫn nộ và chế nhạo. Một thái độ lành mạnh của Kitô Hữu là hãy nhớ rằng thẩm quyền được hành xử giữa những người bình đẳng. Bất kể vai trò thế nào, chúng ta đều bình đẳng về phẩm giá trước mặt Thiên Chúa. Một thái độ lành mạnh thứ hai là người có thẩm quyền để phục vụ những người họ chăm sóc, chứ không để theo đường lối của mình.

Tất cả sự tôn kính quá đáng này dẫn đến một loại cô lập, mà chúng ta sẽ bàn tiếp theo.

2Tính cô lập. Một trong những than phiền tôi thường được nghe từ giáo dân là họ không thể liên lạc được với vị giám mục của mình. Khi có những trở ngại với một linh mục hay một giáo xứ, giáo dân được đề nghị là hãy viết thư cho đức giám mục, đây là điều nực cười đối với họ. Thật vậy, họ đã cố gắng biết bao lần để cảnh giác vị giám mục hay giới lãnh đạo mục vụ trong giáo phận. Nếu họ có nhận được câu trả lời, tất cả chỉ là công thức, đầy những hứa hẹn sẽ “nhìn đến vấn đề.” Nhưng rồi không có gì được thi hành và không có gì thay đổi.

Các linh mục cũng than phiền rằng hầu như không thể nào xin gặp được vị giám mục của mình. Điều này rất đúng trong một giáo phận rộng lớn. Thay vào đó, vị linh mục được bảo hãy gặp một thành viên ban quản trị, một vị đại diện hay đức giám mục phụ tá.

Sự thật là nhiều giám mục sống đằng sau các ban bệ nhân viên và những người giữ cổng. Các giám mục sống trong một loại vòng ma thuật mà ở đó những tin tức xấu không thể lọt vào được. Nhân viên tại các trung tâm giáo phận cô lập vị giám mục – không vì đức giám mục mà vì họ. Công việc của họ là giúp giáo phận được cắt tỉa và gọn gàng, và, chắc chắn rằng họ thường vui vẻ báo cáo với đức giám mục rằng mọi sự được vẹn toàn. Và khi có những khó khăn nghiêm trọng xảy ra, các thành viên này xoay xở giải quyết vấn đề và ít khi đức giám mục buộc phải trực tiếp đối phó với vấn đề ấy. Thật vậy, đức giám mục chỉ được nghe những thông tin, những cam đoan và hoạch định đã được gạn lọc.

Tất cả những điều này có nghĩa nhiều vị giám mục hầu như không bao giờ trực tiếp giao dịch với các linh mục hay giáo dân của mình. Thật hiếm có một vị giám mục của một giáo phận lớn lại đích thân trả lời điện thoại, hoặc cho các linh mục biết số điện thoại di động của mình, hoặc đọc các email của chính mình, hoặc ngay cả mở những lá thư của chính mình. Người ta thường cho rằng các giám mục của một số giáo phận lớn thì không thể thi hành tất cả những điều này, nhưng đổi lại đó là sự cô lập. (Một giải pháp được đề nghị là hãy chia giáo phận lớn thành các giáo phận nhỏ hơn).

3Thiếu kinh nghiệm mục vụ thông thường.  Thật đáng chú ý là không nhiều giám mục thực sự từng là cha sở của một giáo xứ. Dường như có hai con đường cho các linh mục: linh mục trong dinh (nghĩa là hành chánh), và linh mục giáo xứ. Nhiều giám mục, nếu không phải là hầu hết, được lấy ra từ hàng giáo sĩ mà họ từng phục vụ là thư ký của đức giám mục, viên chức tòa chưởng ấn, vị đại diện giám mục, giám đốc chủng viện, v.v. Thật ít người được lấy ra từ hàng ngũ linh mục giáo xứ. Vì thế, nhiều vị giám mục có rất ít kinh nghiệm thực tế với đời sống bình thường của giáo xứ và với người Công Giáo bình thường. Họ nói thứ ngôn ngữ của chính sách và luật lệ. Họ được coi là các quản lý hơn là các mục tử, là người biết cách gọi đàn chiên của mình.

4Bí mật và thiếu sự chấn chỉnh trong tình huynh đệ. Sự thận trọng thì rất quan trọng trong các vấn đề của Giáo Hội. Tòa cáo giải đòi phải tuyệt đối giữ bí mật. Và sự tư vấn, thường được đưa ra bởi hàng giáo sĩ và ban chuyên môn, đòi hỏi sự bảo mật nơi các bác sĩ, luật sư, cố vấn và những người tương tự. Vì thế, cách xử sự của Giáo Hội là giữ bí mật. Các chính sách luật lệ trong quê hương chúng ta hiện quy định những gì phải được giữ kín (tỉ như, hồ sơ bệnh lý) và những gì phải tiết lộ (tỉ như, lạm dụng trẻ em). Nhưng trong Giáo Hội có một thiên hướng dè dặt chia sẻ thông tin. Tự nó, ý định này thì tốt, nhưng có thể có những quá đáng và ở điểm nào đó nó trở nên sự bí mật không lành mạnh. Có một số điều chúng ta biết là phải được chia sẻ.

Vì thế, nếu một người (tỉ như một linh mục) uống rượu quá đáng, hoặc được thấy trong một hoàn cảnh đáng nghi ngờ hoặc được biết là có lối sống tội lỗi, ở điểm nào đó, chúng ta phải trình bày để người khác chú ý. Chúa Giêsu có đưa ra một thứ tự chấn chỉnh trong tình huynh đệ mà nó bắt đầu với việc riêng tư nói với cá nhân ấy. Nhưng nếu người này không chấp nhận hoặc để ý sửa đổi, phải gọi một hay hai nhân chứng. Nếu họ từ chối không muốn nghe hay để ý, đây là lúc phải “nói điều đó với Giáo Hội.” Việc không hoán cải phải dẫn đến các hình phạt về giáo luật, ngay cả phải loại trừ — xem Mátthêu 18:15-18.

Tuy nhiên những sửa đổi và hình phạt ít khi được đưa ra ngày nay; hoặc, nếu có, sự áp dụng thì không đồng đều. Thật vậy, một trong những vấn đề quan trọng nhất chúng ta thấy trong Giáo Hội và cả trong văn hóa là sự thất bại của việc chấn chỉnh trong tình huynh đệ. Trong gia đình, nhiều con cái không bị khiển trách. Trong Giáo Hội, các giáo sĩ sai trái thường vẫn được để yên, tiếp tục làm giáo dân sai lạc hoặc làm gương xấu hoặc vi phạm các quy tắc phụng vụ.

Trong việc ô nhục hiện thời, có tài liệu là một vài viên chức cao cấp của Giáo Hội được cho biết về lá thư vụ Tổng Giám Mục McCarrick sách nhiễu tình dục các chủng sinh. Như thế, có một vài người tìm cách “nói điều ấy cho Giáo Hội.” Nhưng thay vì một phản ứng đầy lưu tâm và tích cực điều tra sự thật, các lá thư ấy bị bỏ qua hoặc được chuyển xuống cho các người khác, và không được hành động quyết liệt. Trong hai trường hợp khác, các cá nhân được trả một số tiền trong hình thức đồng ý giữ bí mật. Đây là một thất bại trong sự chấn chỉnh với tình huynh đệ, và là một bí mật không lành mạnh. Cả hai đều gây ra sự thiệt hại lớn lao cho tín hữu.

Giữ im lặng và quá thận trọng ở điểm này được coi là một loại đồng ý, hoặc một cách giảm thiểu vấn đề — qui tacet consentire videtur (người im lặng là người đồng ý). Ngay cả sự khiển trách kín đáo thì có thể không đủ một khi sự sai trái hay những vi phạm đã được biết rõ. Sự thẳng thắn, sự sửa sai trong tình bác ái và huynh đệ phải được tái thiết lập trong Giáo Hội và trong văn hóa của chúng ta. Nó có thể bắt đầu trong bí mật, nhưng ở một điểm nào đó, trong những vấn đề nghiêm trọng hơn, nó phải lộ ra để bao gồm những người khác và có cả sự khiển trách công khai vì ích lợi chung và để tránh sự ô nhục cho tín hữu. Nếu không, chúng ta phô bày một sự thận trọng và bí mật không lành mạnh.

Một số giám mục dè dặt để công khai đối diện với các vấn đề thì dường như có liên quan đến sự nhận xét kế tới.

5Người biết giữ gìn công ty. Như bất cứ tổ chức to lớn nào khác, Giáo Hội có khuynh hướng thăng cấp những ai biết giữ gìn, thận trọng và nói chung không gây xáo trộn. Họ phân tích lời lẽ cách cẩn thận và sắc sảo tìm cách để được tin cậy và tránh bất cứ sự chống đối hay bàn cãi nào. Tự nó không có gì  sai trái, nhưng nó thường thái quá, vì coi tổ chức có giá trị cao hơn sự thật, hơn Phúc Âm và hơn người dân của Chúa. Thật vậy ít có những ai được nâng lên hàng ngũ đó là loại người có nhiệt huyết, dám nói thẳng về tội lỗi và kêu gọi giáo dân đừng tương nhượng với thế gian này.

Tổng quát, các giám mục rất thận trọng về bản chất. Họ thường như thế vì vị trí của họ. Nhưng điều này có nghĩa, là một nhóm, họ ít rõ ràng chấn chỉnh các sai lầm, nêu rõ các tội (thay vì nói trại đi) hoặc rõ ràng kêu gọi tín hữu đến sự thánh thiện và sự thật.

Tất cả những điều đó thì không cần bàn cãi nhiều, và người của công ty trong bất cứ tổ chức nào thì thường không thích tranh luận. Các giám mục của chúng ta có thể đưa ra những tuyên bố chung của nghị hội về các vấn đề nào đó, nhưng thường họ chỉ dùng những chữ táo bạo trong các vấn đề được coi là an toàn vì phù hợp với truyền thông dòng chính.

Trong sự khủng hoảng hiện nay, chỉ một vài giám mục dám lên tiếng rõ ràng về khía cạnh đồng tính luyến ái trong sự sợ hãi tội lỗi này. Thật vậy, trong nền văn hóa chúng ta có một yếu tố đe dọa mà nó phê bình gắt gao những ai dám lên tiếng giảng dạy theo Kinh Thánh về các hành vi đồng tính và các hình thức khác của sự kết hợp tình dục trái phép. Chỉ có một vài giám mục sẵn sàng giảng dạy mạnh bạo về các vấn đề này và các vấn đề nhiều bàn cãi khác, điều đó cho thấy có trở ngại trầm trọng gây ra bởi việc tránh tranh cãi – dường như, bằng mọi giá.

Bản tính thận trọng, dè dặt của người công ty trong các tổ chức thì từ đâu? Điều này sẽ được tìm hiểu trong điểm kế tới.

6Quá nhiều để mất. Một ngạn ngữ nói, “Không ai tự do hơn là người không có gì để mất.” Janis Joplin nói theo cách này: “Tự do là một chữ khác về việc không còn gì để mất.” Nhưng ngày nay, trong Giáo Hội có một cảm nhận được hiểu ngầm nhưng hiển nhiên là chúng ta có quá nhiều để mất.

Giáo Hội tiên khởi là thời các chứng nhân anh hùng cho đức tin, thường với giá phải trả là sự chết. Trong 33 giáo hoàng đầu tiên, 30 vị tử vì đạo, hai vị bị lưu đầy và chỉ có một vị chết ở trên giường. Ngày nay, thật khó để chúng ta hình dung ra loại hy sinh đó. Hàng giáo sĩ ngày nay có một đời sống được bảo vệ trong các dinh thự to lớn, thường được bao quanh bởi các ban bệ nhân viên và trông coi các tài sản quan trọng và các ngân sách khổng lồ. Kể từ năm 313, chúng ta có rất nhiều đất đai, bất động sản, quyền lực và ảnh hưởng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói, “Con Người không có chỗ gối đầu” (Mt 8:20). Đó là cách Người nói rằng Người chẳng nợ ai điều gì. Người tự do giảng dạy mà không sợ hãi những gì đang tấn công Giáo Hội hiện đại.

Chúng ta đã đánh mất sự thanh bạch và nghèo nàn của Giáo Hội tiên khởi tới một mức lớn lao. Khi chúng ta thoát khỏi những cuộc bách hại, chúng ta sở hữu quá nhiều – quá nhiều nên bây giờ chúng ta có quá nhiều để mất. Tôi không có một giải pháp đơn giản cho vấn đề này. Cả một di sản xinh đẹp các cơ sở và các tài sản khác để bảo vệ và trân quý. Nhưng chúng ta không thể yêu quý các thứ đó quá đáng đến độ chúng ta sỉ nhục chính đức tin đã tạo nên những thứ ấy.

Tuy nhiên có sự nguy hiểm – và đó là chỗ phát triển mạnh của thái độ “tránh mọi tranh cãi và không bao giờ chống đối” của người công ty và người Công Giáo lãnh đạm. Vì thật vậy, không chỉ các giám mục và các linh mục cao cấp bị đè bẹp bởi điều này. Thật đúng là họ sợ bị mất không chỉ các tài sản to lớn của giáo phận, nhưng còn địa vị, quyền thế và hướng đi lên. Và tín hữu cũng vậy, có được nhiều của cải ở Hoa Kỳ, họ sợ sống và làm chứng cho đức tin một cách anh hùng. Họ cũng sợ không chỉ bị mất tiền và công việc, nhưng còn sợ mất uy tín, không còn được cho phép và không được chấp nhận.

Khi chúng ta có quá nhiều để mất, chúng ta sẽ có khuynh hướng thỏa hiệp, trở nên lãnh đạm và tránh mọi tranh luận. Những lời lẽ rõ ràng và những hành động mạnh dạn thì làm các viên chức Giáo Hội lo sợ và đưa đến sự quở trách và sự cô lập cho những ai dám đứng lên.

Nhưng trong sự khủng hoảng hiện nay, chúng ta có thể thấy – khi tìm cách duy trì tình hữu nghị với thế gian, để làm êm thắm sự tranh cãi và tránh né những khó khăn – cuối cùng chúng ta chỉ có thêm sự thù ghét hơn bao giờ hết. Thế gian này không bao giờ hài lòng với sự tương nhượng của chúng ta. Khi nó thấy chúng ta tạo ra những điều đó, nó cảm được những yếu điểm và đi vào để giết hại. Và chúa trùm của thế gian này thì đang cầm tay lái. Khi tìm cách để tránh mất mát, cuối cùng chúng ta mất tất cả. Trong 20 năm qua có hàng tỉ đô la đã phải trả. Các trường học và nhà thờ được bán đi để trả nợ và dường như một sự co thắt dữ dội hơn đổ xuống chúng ta.

“Quá nhiều để mất.” Đó là một hình thức nô lệ khủng khiếp và từ đó phát sinh một sự khôn ngoan sai lầm về sự thận trọng, tránh né, tương nhượng và bí mật. Chúng ta phải chấp nhận rằng Phúc Âm thì nhiều tranh cãi. Chúng ta phải sẵn sàng chết với Chúa Kitô ở bên ngoài các tường thành phố (Xem Do Thái 13:13).

Vậy, ở đây là một số chiều kích cơ cấu rạn nứt đã góp phần cho sự khủng hoảng hiện nay. Có thể nói thêm về các khó khăn khác, tỉ như chúng ta mất cảm nhận về tội. Về điều này, ĐGM Morlino đã viết rất hay. Ts. Ralph Martin viết rất hay về vấn đề thương cảm giả dối, sự thương xót rẻ tiền và chủ nghĩa đại đồng nhạt nhẽo mà nó đã làm mất đi các cảm nhận khẩn trương phải hoạt động cho sự cứu độ các linh hồn. Cha Peter Stravinskas viết rất hay về việc làm thế nào hệ thống chủng viện lại quá chú ý đến một loại tương hợp dịu dàng mà nó đào tạo những người “muốn an toàn” hơn là phát triển các khả năng lãnh đạo thực sự và trở nên các người lính hăng say trong đạo binh của Chúa. Thật vậy, hầu như trong Giáo Hội đã mất cảm nhận về một cuộc chiến cứu rỗi các linh hồn. Cha Jay Scott Newman cân nhắc về chức tước, những cạm bẫy và sự di chuyển mà nó khuấy động các giám mục ngày nay.

Có nhiều tầng lớp. Và trong bài này tôi thử đưa thêm một vài tầng nữa. Không có Giáo Hội nào sẽ làm đúng mọi sự khi có con người ở trong đó. Nhưng chúng ta đang đau khổ vì một sự lãnh đạo mà càng ngày nó càng trở nên xa cách, dè dặt và hoạt động trong kiểu cách bảo vệ nhiều hơn, ngay cả khi số người Công Giáo trong Giáo Hội ngày càng sút giảm đáng kể. Điều này cũng đúng với nhiều cha xứ tài giỏi. Dùng một cách suy diễn quân sự, các tướng chiến đấu nhường cho các tướng nhân sự và họ không có nhiều cảm nhận về cuộc chiến hoặc cần phải hăng say và có kỷ luật trong các đạo quân. Vui lòng nhớ rằng đây chỉ là những nhận xét tổng quát và hầu hết các khó khăn này thì không phải là mới. Không phải mọi giám mục hay cha sở đều có tất cả các đường nét này, nhưng chúng lan tràn khắp nơi đủ để được thích hợp coi là những khó khăn về cơ cấu.

Sau cùng chỉ là một hình ảnh, trong y phục hiện thời của các giám mục có vấn đề biểu tượng. Áo chùng đen linh mục và giống như mục tử, với thập giá rõ ràng, thì ít khi thấy. Trong những thập niên gần đây, y phục ấy nhường chỗ cho một bộ vét đen kiểu doanh gia, với thập giá được nhét trong túi áo. Đó là điều để suy nghĩ.

Cơn Bảo Trên Biển Galilê – Tranh Rembrandt