Đạo Công Giáo với tư duy người Việt

Đạo Công Giáo ra đời ở Trung Đông nhưng phát triển mạnh ở châu Âu nên khi nó du nhập vào nước ta nó cũng mang theo dấu ấn của văn minh, văn hóa của châu lục này đến Việt Nam. Đã có nhiều nghiên cứu nói về đóng góp của đạo Công Giáo với văn hóa Việt cũng như tác động trở lại của văn hóa Việt với tôn giáo này. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới sự ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công Giáo với tư duy của người Việt.

1- Đóng góp của đạo Công Giáo với tư duy người Việt

Do sự chọn lựa của các thương gia khi qua phương Đông muốn có những giáo sĩ vừa giúp lo liệu phần hồn khi phải lênh đênh trên biển cả sóng gió nhiều ngày lại có thể giúp phiên dịch, giao thương, dự đoán thời tiết…nên nhiều giáo sĩ khi đến Việt Nam truyền giáo là những nhà khoa học hoặc có nhiều tri thức khoa học. Họ từng được đào tạo bài bản ở các trường đạo, đời danh tiếng ở châu Âu. Bởi vậy, khi đến nước ta, họ cũng mang theo phương pháp tư duy logic, khoa học và truyền bá nó lúc truyền giáo. Chúng ta có thể nhận khá rõ vấn đề này khi đọc lại những bài giáo lý đầu tiên mà các giáo sĩ dạy dỗ các tân tòng. Trong cuốn “ Phép giảng tám ngày” của Alexandre de Rhodes, một cuốn sách được ấn hành rất sớm từ năm 1651 ở Roma bằng chữ quốc ngữ. Để giới thiệu một tôn giáo mới xa lạ với người Việt, các nhà truyền giáo phải kết hợp phương pháp sư phạm, tình cảm và lý trí, niềm tin và khoa học. Các khái niệm của đạo Công Giáo rất mới mẻ nhưng được dẫn dắt rất rạch ròi, dễ hiểu với trình độ dân trí bấy giờ. Nhằm nói với dân chúng không phải thờ trời mà thờ Đức Chúa Trời, các nhà truyền giáo tách bạch:

“Nhà thì khác, chủ nhà thì khác. Trời thì khác, Chúa Trời thì khác Như thế nhà là vật chẳng biết điều gì. Trời cũng vậy, những xác không chẳng biết đí gì, chẳng thông lẽ gì sốt. Vì vậy chẳng nên thờ trời. Lạy Đức Chúa Trời, thờ Đức Chúa Trời thì mới phải”(1).

Các nhà truyền giáo cũng thông qua các bài giảng giáo lý để phổ biến tri thức khoa học đến dân chúng. Chẳng hạn để giải thích cho giáo dân không nên gọi đạo Công Giáo là đạo Phalang ( Pháp) với lý lẽ khá thuyết phục:

“Chớ có nói đạo này là đạo Phalang vì đạo Đức Chúa Trời là sáng và trước lớn hơn mặt trời… Nói thí dụ, mặt trời soi đến nước nào, thì làm ngay sáng nước ấy dù mà nước khác chưa thấy mặt trời mọc lên hãy còn chịu tối đêm. Song le, chẳng có ai gọi mặt trời là mặt trời nước ấy dù đã chịu mặt trời soi sáng nó trước” (2).

Suy luận là một phương pháp của tư duy logic ở trình độ trừu tượng có lẽ xa lạ với dân trí của nước ta lúc bấy giờ nhưng lại thấy phổ biến trong các bài giảng của các nhà truyền giáo. Ví dụ kiểu suy luận tam đoạn luận:

“ Trong Đại minh có lời rằng: “ thiên phù địa tải”, nghĩa là trời che, đất chở. Vậy thì trời là nhà, đất là nền. Hễ là nhà nào thì có kẻ làm nên mới nên, cũng là có chủ nhà mà chớ. Vì vậy thì có trời, cũng có thật Chúa Trời làm nên trời thì mới có. Đền đài, nhà cửa ắt có thợ khéo làm cho nên. Người nào mới đẻ ra, thì thật có cha mẹ sinh đẻ mà chớ. Huống lọ là trời đất thật có Chúa Trời trước làm cho nên, sau thì mới nên, mới có” (3).

Như vậy tiền đề 1 của suy luận trên là: Có nhà cửa là do có thợ làm nên. Tiền đề thứ 2 là: Có trời đất và kết luận suy ra là: có người làm ra tức Đức Chúa Trời.

Rất nhiều tri thức khoa học, văn minh kỹ thuật phương Tây được truyền bá vào Việt Nam thông qua các nhà truyền giáo. Alexandre de Rhodes từng giảng cho chúa Trịnh (Trịnh Tráng) nghe về nhật thực, nguyệt thực, về hình học Euclide. Năm 1626, giáo sĩ Baldinotti ( người Ý) cũng được vời đến phủ chúa: “Chúa sai một hoạn quan trong phủ đến tìm tôi để tôi giảng cho chúa biết cuộc vận hành các tinh tú, vì chúa biết tôi giỏi về toán học…rồi chúa hỏi tôi về những vấn đề toán học liên quan đến trái địa cầu”(4). Các giáo sĩ cũng đưa vào nước ta cách chữa bệnh theo lối Tây y, dệt vải khổ rộng, kỹ thuật in bằng con chữ rời đúc nổi chứ không phải lối khắc bản gỗ truyền thống của ta… Rõ ràng, đạo Công Giáo thông qua các giáo sĩ đến từ ngoại quốc đã trở thành chiếc cầu nối chuyển tải, giao lưu văn hóa, văn minh phương Tây vào Việt Nam. GS Phan Huy Lê đã nhận xét:

Trong hàng ngũ giáo sĩ có những người chỉ hoạt động vì đức tin và họ cũng góp phần truyền bá một số thành tựu văn minh phương Tây vào Việt Nam. Nhà toán học và thiên văn học Jean Baptisle Sanna ( Ý), Sebatien Pices ( Bồ), Francoi de Lima ( Bồ), Joseph Neugebeaur ( Đức), nhà y học Jean Sibert (Tiệp), Chales Salemenski ( Hung), Jean Koffler (Tiệp), Jean de Loureiro ( Bồ)… là những giáo sĩ đã có thời gian giúp chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Alexandre de Rhodes cùng các giáo sĩ Francesco de Pina, Christoforo Borri, Gaspar de Amaral, Antoine de Barbosa…đã đưa hệ thống chữ cái latinh vào Việt Nam, góp phần sáng tạo ra chữ quốc ngữ, latinh hóa chữ Việt” (5).

Một số khái niệm của đạo Công Giáo vốn rất khó hiểu, khó diễn đạt và vẫn được coi là “màu nhiệm” như khái niệm “một Chúa Ba ngôi”. Nếu không có tư duy triết học khó có thể trình bày được. Các nhà truyền giáo đã dùng hình ảnh một người đàn ông vừa là chồng, vừa là bố của các con, vừa là ông của các cháu: ba tư cách vẫn là một người. Hoặc có tính khoa học hơn khi so sánh ba trạng thái của nước: lỏng, rắn, hơi nhưng bản chất vẫn là nước. Đặc biệt, các giáo sĩ đã đưa tư duy làm kinh tế vào để bày cho người Việt:

Hãy lấy tiền đặt nợ mà tậu ruộng cũng nên. Mùa nào rẻ thóc, rẻ hàng hãy mua, mùa nào mắc sẽ bán cũng nên.

Hoặc chẳng hay buôn bán, thì hãy hợp cùng người buôn. Mình sẽ ra tiền mà nó sẽ ra công; hoặc được lãi thì chia cùng nhau, hoặc lỗ vốn thì mình sẽ chịu thiệt vốn mình, nó sẽ chịu thiệt công nó cũng nên.

Hoặc là mua lãi cách này: hãy cho người nào thật thà 10 quan hay 100 quan mặc lòng, mà vốn ấy trao cho người ấy mặc người ấy cầm trọn đời, cùng đời con cái, đời cháu chắt người ấy cũng mặc lòng; mà 1 năm nó sẽ trả như 10 quan hay 2 quan 5, hay là 3 quan lãi: một trăm là 25, là 30, chốc ấy cũng nên.

Song le mình chẳng được đòi vốn bao giờ, một ăn lãi mà thôi. Còn nó muốn chuộc, đừng trả lãi ấy nữa mà trả vốn bao giờ cho mình, mặc nó.

Buông vốn ra cho người ta mà mua lãi cách ấy mới là được, đã có lề luật thánh Ighêrêxa dạy vậy” (6).

Người Việt mình vốn trọng sĩ, trọng nông coi thường buôn bán, xếp thương gia vào hạng cuối: sĩ, nông, công, thương và gọi người buôn bán là “bọn con buôn” thì tư duy cho vay lấy lãi, rẻ mua bán đắt trên thật là mới mẻ với người Việt từ thế kỷ XVII.

Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng sâu nặng quan niệm của Nho giáo phong kiến, vì vậy tư tưởng trong nam khinh nữ, đa thê khá phổ biến trong xã hội gây ra bao cảnh oan trái cho đời sống phụ nữ khiến thi sĩ Hồ Xuân Hương phải thốt lên: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”. Đạo Công Giáo du nhập vào đem theo một giáo luật mới văn minh và tiến bộ. Đó là hôn nhân một vợ, một chồng. Điều này đã được phổ cập trong hương ước nhiều làng Công Giáo. Ví dụ hương ước làng Vĩnh Trị, điều 103 viết: “Làng toàn tòng Công Giáo chỉ được phép nhất phu, nhất phụ thôi. Vậy ai còn vợ cả mà lấy vợ hai thì làng không ăn ngôi với nữa để khỏi làm gương xấu cho kẻ khác”(7).

Đạo Công Giáo cũng phê phán tục lệ mê tín như kiêng ngày xấu, đặt tên con xấu, chọn đất chôn táng, đốt vàng mã khi giỗ chạp ở nước ta…Đắc Lộ viết : “ Vì thế chúng tôi đã công khai công kích dị đoan và chế diễu những tập quán kỳ dị này rằng, họ dám gửi cho cha mẹ những áo giấy mà những kẻ nghièo hèn nhất cũng không thèm mặc” (8).

Một trong những ảnh hưởng của đạo Công Giáo với tư duy người Việt chính là chữ quốc ngữ. Ngôn ngữ là hình thức của tư duy. Nhờ chữ quốc ngữ, người Việt có thể biết đọc, biết viết dễ hơn nhiều so với học chữ Nho, chữ Nôm. Do đó các chí sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục ở Việt Nam đã coi việc học chữ quốc ngữ là một trong sáu kế để mở mang dân trí. Họ kêu gọi:

Gần đây mục sự người Bồ Đào Nha chế ra chữ quốc ngữ, lấy 20 chữ cái châu Âu phối hợp với 6 âm và 11 vần, đánh vần theo lối hòa thanh mà đặt ra tiếng ta rất là giản dị nhanh chóng. Phàm người trong nước, đi học nên lấy chữ quốc ngữ để ghi việc đời xưa, chép việc đời nay và thư từ thì có thể chuốt lời và đạt ý. Đó thật là bước đầu trong việc mở mang dân trí vậy” (9).

Nhà văn Kim Lân cũng khẳng định: “ Tôi rất biết ơn Alexandrede Rhodes. Hội nhà văn cần dựng tượng ông ấy. Cái chữ nó ghê gớm lắm. Không có ông ấy thì tôi, bà Anh Thơ, ông Nguyên Hồng…không thể trở thành nhà văn được” (10).

Chính chữ quốc ngữ có cùng hệ với chữ latinh nên là một yếu tố thuận lợi để người Việt dễ dàng hội nhập quốc tế, tiếp nhận thông tin, khoa học nước ngoài khi họ học ngoại ngữ hay cài phần mềm trên máy tính phiên bản tiếng Việt.

Cũng chính nhờ tư duy khoáng đạt của đạo Công Giáo mà nhiều người Công Giáo ở nước ta như linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874), sĩ phu Đinh Văn Điền (không rõ năm sinh, mất, sống dưới thời vua Tự Đức), đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ (1830- 1871) đã thoát khỏi quan niệm hủ nho để đưa ra những cải cách táo bạo nhằm chấn hưng đất nước, đủ sức đánh đuổi thực dân Pháp. Rất nhiều kiến nghị của Nguyễn Trường Tộ được coi là “tư duy đi trước thời đại” mà ngày nay đọc lại vẫn làm kinh ngạc nhiều người. Ông đưa ra nhiều quan niệm triết học duy vật. Bàn về mối quan hệ giữa chuyện cơm áo với lễ nghĩa, ông viết:

Bởi vì có đủ cơm ăn, áo mặc rồi mới nói đến chuyện vinh hay nhục mà muôn việc ở đời là sự nuôi nấng. Nếu không có đủ nuôi sống, bản thân không còn được bảo tồn thì nói gì đến chuyện khác ngoài bản thân…Nếu bị cái nghèo đói thúc bách để kiếm sống cũng không xong còn đâu mà bàn lễ nghĩa” (11).

Ông cũng cho rằng thế giới là vô cùng vô tận nhưng con người cũng có khả năng nhận thức thế giới. Ông đưa ra khái niệm “ độ” khi chuyển hóa mặt đối lập và đặc biệt dám nhận định ngay từ giữa thế kỷ XIX rằng: “Ánh sáng cũng là vật chất trong vũ trụ” (12). Đây là tư duy mới mẻ không chỉ với người Việt mà ngay cả với vật lý hiện đại lúc bấy giờ.

Một số văn nghệ sĩ người Công Giáo lại đóng góp sắc thái riêng vào nền văn học nghệ thuật nước nhà. Còn nhiều nhà khoa học người Công Giáo lại đem đến một phương pháp nghiên cứu thiên về thực chứng và duy lý như L. Cadiere, Kim Định, Bùi Đức Sinh, Trương Bá Cần…

Tóm lại, đạo Công Giáo khi truyền bá vào Việt Nam đã có nhiều ảnh hưởng đến việc phát triển tư duy người Việt. Dĩ nhiên, chẳng có sự tác động nào đơn phương xảy ra một chiều. Phép biện chứng là phổ biến nên cũng thể hiện trong trường hợp này. Tư duy của người Việt cũng ảnh hưởng trở lại đạo Công Giáo.

2- Tư duy người Việt tác động làm biến đổi đạo Công Giáo từ một tôn giáo xa lạ thành tôn giáo gần gũi với người Việt

Là một tôn giáo độc thần, lại bị tiêm nhiễm quan niệm cái gì của Tây phương cũng là văn minh. Nên buổi đầu truyền giáo, các giáo sĩ ngoại quốc thường muốn khai hóa bản địa theo lối sống phương Tây. Các tân tòng phải bỏ tên cúng cơm cha mẹ đặt cho để nhận một tên Tây như Catarina, Anna, Phanxicô, Gioan… đến nỗi có một chứng nhân tử đạo đã được tôn phong lên bậc chân phước năm 2000 và đặt làm quan thày các giáo lý viên ở Việt Nam cũng không rõ tên họ là gì đành phải ghép quê quán làm tên. Đó là chân phước Anrê Phú Yên. Người ta cũng yêu cầu các tân tòng phải cắt tóc ngắn, thay đổi trang phục khác với truyền thống. Đây là những yêu cầu kỳ lạ, khiến ngay một số giáo sĩ có tinh thần tiến bộ cũng phản đối. Alexandre de Rhodes viết:

Trong thành và miền lân cận, có nhiều lương dân đang theo học để theo đạo. Nhưng tôi không thể giấu hai điều làm chúng tôi không hài lòng khi qua khu vực này. Theo tôi, đó là việc làm cho người lương dân không muốn vào đạo ta. Tôi cũng thấy khó xử. Người ta tỏ ra rất tôn trọng và mơn trớn lương dân, thế nhưng khi đã rửa tội cho họ rồi thì người ta không còn thèm nhìn tới họ nữa. Hơn nữa, khi người ta trở lại, người ta bắt họ phải cởi y phục xứ sở, y phục của tất cả những người lương dân. Không thể tưởng tượng được, lương dân rất bất bình. Tôi không hiểu tại sao, người ta lại đòi cái điều mà Chúa chúng ta không đòi hỏi. Đó là điều làm cho họ tránh xa phép Rửa và thiên đàng. Đối với tôi, tôi biết rằng, ở Trung Quốc, tôi đã cực lực phản đối những kẻ bắt giáo dân tân tòng phải cắt tóc, họ có thói để tóc dài như tóc đàn bà – nếu không họ không được tự do đi lại trong xứ. Tôi đã bảo những kẻ ấy rằng: Phúc âm bắt họ gạt bỏ sai lầm khỏi tâm trí chứ không phải mớ tóc trên đầu” (13).

Các giáo sĩ cũng phê phán việc thờ cúng tổ tiên vì coi đó là “ mê tín và rối đạo”. Thư chung của giám mục đại phận Đông ngày 7-6-1939 đưa ra 36 quy định cấm liên quan đến thờ kính tổ tiên: “ 1-Đức thánh Pha Pha thấy mọi sự vô đạo quen làm với mà thờ kẻ chết là sự dối trá hết…6- Cấm lạy là cùng cắt tóc tang…33- Bổn đạo bắt chước kẻ ngoại đạo mà dẫy mả, cải táng chỗ nọ, chỗ kia để được gặp may, gặp sự lành thì là sự rối” (14).

Thế nhưng, những thất bại khi truyền giáo cùng với sự phản kháng của văn hóa Việt, các nhà truyền giáo buộc phải thay đổi não trạng. Các giáo sĩ cũng lấy tên Việt đặt cho mình như Alexandre de Rhodes gọi là Đắc Lộ, Pigneau de Behain gọi là Bá Đa Lộc, giám mục Gendraeu gọi là Đông…Các tên thánh, hội đoàn Công Giáo du nhập vào Việt Nam như Vincente, Benedicto, Sulpicien cũng được gọi tên thuần Việt là Vinhsơn, Biển Đức, Xuân Bích…

Vấn đề thờ cúng tổ tiên là một thách đố của Giáo Hội Công Giáo ở châu Á chứ không riêng gì Việt Nam. Cuộc tranh cãi được gọi tên là “vấn đề nghi lễ Trung Hoa” giữa hai phái cấp tiến và bảo thủ kéo dài từ thế kỷ XVII qua thế kỷ XVIII, trải qua 10 đời giáo hoàng và gây tổn thất rất nặng nề cho Giáo Hội vì sự chống đối của chính quyền và nhân dân bản xứ với tôn giáo này. Một số nhà truyền giáo khi đến Việt Nam đã nhận ra quan niệm của người xứ này là “ nhập gia tùy tục”. Chính giám mục Bá Đa Lộc đã thừa nhận:

Tất cả những gì người ta nói về cách thức vái lạy người chết sự thờ cúng ngẫu tượng (culte d’idolatrie) mà người ta gán cho sự vái lạy đó là sự lố bịch, không thể chấp nhận được với những ai từng sống ở xứ này…Chúng ta đã câu nệ quá nhiều. Cần loại bỏ sự mê tín, nhưng nếu ai đó đi quá xa thì sẽ lạc đường và sẽ tạo ra chướng ngại vật cho sự truyền giáo” (15).

Sau Huấn dụ Plane compertum est của Vatican cho phép người Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên được thờ cúng tổ tiên bằng hương hoa ngày 8-12-1939 thì ở Việt Nam, ngày 14-6-1965, các giám mục cũng ra thông cáo cho phép giáo dân được thờ cúng tổ tiên. Thông cáo viết:

Nhiều hành vi cử chỉ xưa ở Việt Nam, có tính cách tôn giáo nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình tập quán đã thay đổi nhiều nên nay chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính với tổ tiên và các anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ và thái độ, nghi lễ có tính thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo Hội chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn khuyến khích cho nó được diễn tả bằng các cử chỉ riêng biệt cho mỗi nước, mỗi xứ”.

Vì là tôn giáo độc thần nên đạo Công Giáo coi các tôn giáo khác đều là đạo dối, mê tín, lầm lạc. Các nhà truyền giáo khi đến Việt Nam cũng mang não trạng như thế. Đắc Lộ viết: “Song le Đại minh vốn có phân ra làm ba đàng cả. Đàng thứ nhất là kẻ về đàng hay chữ, gọi là đạo Nho. Đàng thứ hai là đàng thờ quỷ mà làm việc dối gọi là đạo Đạo. Đàng thứ ba là kẻ thờ Bụt gọi là đạo Bụt. Sự đàng sau này là bởi nước Indian mà ra” (16). Do đó, đạo Công Giáo cũng quy định cấm đoán giáo dân không được kính thờ các thần thánh của tôn giáo khác, thậm chí không được bén mảng đến đình, chùa: “1- Những đối tượng không được thờ kính như ma quỷ, những đấng sáng lập các tôn giáo khác như Đức Khổng Tử, Đức Phật, ông bà ông vải. 2- Những nơi cấm đến là đền, chùa, những đình làng có thờ thần,; không được cho mượn các đồ thờ” (17).

Nhưng người Việt Nam lại có quan niệm đa thần “ bên cha cũng cúng, bên mẹ cũng vái”, “tam giáo đồng nguyên”, “tam giáo đồng quy” thì Giáo Hội Công Giáo cũng dần dần thay đổi, đặc biệt sau sự đổi mới của Công đồng Vaticano II ( 1962-1965), đến ngày20-10-1964, các giám mục Việt Nam đã ra thông cáo: “công nhận một cách kính cẩn những giá trị tinh thần và luân lý của các tôn giáo khác”. Đến Thư chung năm 2001, Hội đồng giám mục Việt Nam còn đi xa hơn:

“ Trên đất nước ta, đa số đồng bào là người có tín ngưỡng và tôn giáo, cần có sự đối thoại để hiểu biết, tôn trọng và yêu thương và cùng nhau thăng tiến cuộc sống của mọi người…Tôn giáo phải là nền tảng cho người ta xích lại gần nhau. Ngoài ra, sự gặp gỡ thân tình giữa các vị lãnh đạo tôn giáo các cấp sẽ tác động trên tín đồ, cổ vũ sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác với nhau trong việc phục vụ hạnh phúc đồng bào”.

Đến Thư chung 2003, Giáo Hội Công Giáo gọi các tôn giáo khác là “tôn giáo bạn”. Người ta thấy các linh mục, giám mục đến chúc mừng Phật đản của Phật giáo hay ngày sinh Đức Thái Tôn của Cao Đài, ngày Noel của Tin Lành. Người dân các tôn giáo cùng sống chung trong các “làng xôi đỗ”, cùng chung tay xây nhà thờ, nhà chùa hay đình miếu.

Văn hóa của Việt Nam cũng làm thay đổi nhiều sinh hoạt phụng vụ, lễ nghi, hội họa, âm nhạc, kiến trúc của Công Giáo. Trước đây, Giáo Hội lên án việc thờ cúng tổ tiên thì bây giờ Giáo Hội đã dùng nghi thức dâng hương trước bàn thờ, di ảnh người quá cố. Một số nơi còn cho phép tính hữu được ghi lời cầu nguyện đọc và đốt đi trước bàn thờ, tượng ảnh. Buổi đầu, sách vở, thánh ca, ngôn ngữ trong phụng vụ là tiếng Latinh, bây giờ là tiếng Việt và cả tiếng các dân tộc thiểu số như Cơ Ho, Ba Na, Xtiêng. Kiến trúc nhà thờ trước đây phổ cập là kiểu gothic, roman, bây giờ có nhiều nhà thờ mang đậm bản sắc văn hóa Việt như nhà thờ Phát Diệm ( Ninh Bình), nhà thờ Pleichuet ( Gia Lai), nhà thờ Lạng Sơn…Tranh ảnh Công Giáo ngày trước chủ yếu là từ phương Tây đưa vào mang phong cách của thời Phục Hưng. Bây giờ có nhiều tranh, tượng đạo mang phong cách Việt như tranh sơn mài Giáng sinh của Nguyễn Gia Trí, Đức Mẹ Việt Nam của Nam Phong, Madalena dưới chân Thập giá của Lê Văn Đệ…Về thánh nhạc cũng thế, trong nhà thờ bây giờ cùng với các bài hát bằng tiếng latinh còn có nhiều thánh ca bằng các làn điệu dân ca do các nhạc sĩ Công Giáo người Việt sáng tác và cũng nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.

Văn hóa, lối sống của người Việt đã biến đổi đạo Công Giáo từ phương Tây xa lạ thành đạo Công Giáo Việt Nam chứ không phải đạo Công Giáo ở Việt Nam. Nó vẫn mang căn tính Công Giáo nhưng lại đậm bản sắc Việt. Đây cũng có thể là bài học tốt cho nước ta trong việc hội nhập quốc tế hiện nay.

Chú thích:

1,2,3, 16- A. Rhodes: Phép giảng tám ngày, Đại kết ấn hành 1998, tr.15-16; tr.25; tr.11-12; tr.104-105
4,6,14- Phạm Huy Thông: Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công Giáo và văn hóa Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2012, tr.32; tr.87-88; tr.141
7- Hương ước làng Vĩnh Trị, Nghĩa Hưng, Nam Định (1942), Viện Thông tin KHXH, ký hiệu số Hư 2031
8- A. Rhodes: Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Đại kết 1994, tr.57
9- Văn tuyển văn học Việt Nam 1858-1930, Nxb Giáo dục 1989, tr.180
10- Trả lời phỏng vấn báo Thanh niên ngày 26-1-2002, tr.5
11, 12- Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, Nxb Tp HCM 1988, tr.191; tr.419
13- A. Rhodes: Hành trình truyền giáo, Đại kết 1994, tr.16
15, 17- Vấn đề thờ cúng tổ tiên, Kỷ yếu hội thảo khoa học ở Huế năm 1999, Lưu hành nội bộ, tr.75; tr.8


Ts. Phạm Huy Thông

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.