Tài liệu huấn luyện mục vụ tông đồ giáo dân giáo phận Qui Nhơn năm 2019: Vì Chúa Cần Đến Nó

Linh mục Giuse Trương Đình Hiền
10/Jun/2019
Khi Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây. Nếu có ai bảo: “Tại sao các anh làm như vậy? “, thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay.” (Mc 11,1-3)

DẪN NHẬP

Trong một bài suy niệm mang tựa đề “Đời tôi tiến bước như một con lừa”, linh mục J.B. Trần Văn Hào đã viết những dòng thật thâm thuý như sau:

“Đây là tựa đề một quyển sách Đức Hồng Y Etchegarey đã viết khi suy tư về hành trình ơn gọi của mình. Ngài vay mượn hình tượng một con lừa để mô tả. Người đời vẫn thường nói: “Ngu như bò và dốt như lừa”. Nhưng bò và lừa lại là hai vị thượng khách được ưu tuyển để đến cung chiêm Vua Trời đất khi Ngài mới hạ sinh. Đức Hồng Y cũng mượn lại hình ảnh con lừa chở Chúa tiến vào Giêrusalem để nói về hành trình ơn gọi của Ngài. Người dân hai bên đường vỗ tay reo hò, trải áo và cầm cành lá trên tay để nghinh đón. Con lừa vẫn không vênh mặt lên để tự mãn, vì những lời tung hô đó dành cho Chúa chứ không phải cho nó. Nó mãi mãi cũng chỉ là một con lừa mà thôi. Đường vào Giêrusalem đầy sỏi đá làm chân nó đau nhức, nó vẫn không một lời kêu than. Con lừa vẫn cứ âm thầm lặng lẽ mang Chúa trên vai, và tiến bước một cách ngoan thuần. Nó khiêm tốn bước đi để Chúa hướng dẫn, và suốt đời nó mãi mãi vẫn chỉ là một con lừa mà thôi. Cuộc hành trình ơn gọi của mỗi người chúng ta cũng phải giống như vậy. “Đời tôi tiến bước như một con lừa” chính là như thế…”[1]

Riêng Đức cố Hồng Y Etchegarey[2] trong chính tác phẩm[3] mà linh mục J.B. Trần Văn Hào vừa nhắc đến, trong phần đầu tiên, ngài đã để lại những tâm tình rất đáng để cho mỗi người chúng ta cùng suy tư, học hỏi và ứng dụng vào cuộc sống đạo hôm nay. Xin trích:

“…Tôi tiến bước, như con lừa vùng Giêrusalem mà Đấng Mêsia, vào ngày Lễ Lá, đã cưỡi lên như một ông vua hiền lành. Tôi chẳng biết gì nhiều, nhưng tôi biết là tôi đang cõng Đức Kitô trên lưng tôi, và tôi thì quá hãnh diện còn hơn được là người Basque. Tôi cõng Người, nhưng chính Người dẫn tôi đi. Tôi biết rằng Người dẫn tôi đến Vương Quốc của Người, ở đó tôi sẽ được nghỉ ngơi muôn đời trên những đồng cỏ xanh tươi.

Tôi tiến bước, những bước đi chậm chạp. Qua những con đường hiểm trở, cách xa những đại lộ cao tốc, (…). Khi tôi váp phải hòn đá, ông Chủ của tôi chắc bị dằn mạnh lắm, nhưng Ông chẳng hề trách mắng tôi nửa lời…

Tôi tiến bước…lặng thinh (…). Câu nói duy nhất của Người mà tôi hiểu được thì hình như chỉ để cho tôi thôi, và tôi cũng chứng thực được điều đó: “Ách của Ta thì dễ mang và sức nặng của Ta cũng nhẹ.” (Mt 11,30). Cũng như khi, Mẹ của Người ngồi trên lưng tôi, đi tới Bêlem, vào một buổi tối Giáng Sinh, sao lúc đó tôi vui sướng làm sao (…).

Tôi tiến bước…trong sướng vui. Khi tôi muốn hát lên, ca ngợi, thì tôi lại thốt ra những tiếng ồn ào như lũ quỷ, vì tôi lạc giọng. Còn Người, lúc đó, Người cười ngả nghiêng, một tiếng cười khiến những vết lằn xe trên đường làm nên một điệu vũ, còn những móng chân tôi thành những đôi dép tung trên gió. Những ngày như thế, tôi thề đấy, chúng tôi đi được nhiều lắm !

Tôi tiến bước, tiến bước như một con lừa đang cõng Đức Kitô trên lưng.[4]

Sở dĩ chọn hình ảnh “con lừa” cùng với những “suy tư gợi ý” trên của Đức cố Hồng Y Etchegarey như một “dẫn khởi” cho bài nói chuyện đầu tiên trong chương trình Huấn Luyện Mục Vụ Tông Đồ Giáo dân giáo phận Qui Nhơn, là muốn nhấn mạnh đến vai trò rất cần thiết nhưng đầy khiêm tốn của người giáo dân trong sứ mệnh và công cuộc “Tông Đồ” của Giáo Hội.

Vâng, một cách nào đó, mọi ơn gọi Kitô hữu trong Nhiệm Thể Đức Kitô, đều có chung một “xuất phát điểm”: lời mời gọi cọng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa qua Người Con Một được ban tặng cho thế gian: “VÌ CHÚA CẦN ĐẾN NÓ”.

“Nó” là “Con Lừa” ngày xưa, hay “Nó” là chính chúng ta hôm nay đều thuộc về lời mời gọi đầy yêu thương đó !

Sau đây là một vài gợi ý, như là những định hướng cơ bản cho công cuộc thường huấn dành cho các hội đoàn mang tính mục vụ tông đồ giáo dân. Ước mong sao công cuộc mục vụ quan trọng nầy thực sự mang lại hoa trái thiêng cho đời sống đức tin của dân Chúa và cho sự phát triển phong phú trên cánh đồng truyền giáo của giáo phận.

I. MỘT THOÁNG NHÌN LẠI ƠN GỌI VÀ SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

1. Giáo dân: Công dân hạng hai trong “tháp phẩm trật”:

Đã có những thời, Giáo Hội được quan niệm như một “khối tháp tam giác” mà giáo dân luôn là thành phần nằm ở bề đáy”, như chứng từ của Hồng Y Avery Dulles, một thần học gia Hoa Kỳ và là chuyên viên về Công Đồng Vatican II, được tác giả bài viết “Ơn gọi tông đồ giáo dân” Nguyễn Tri Sử tường thuật lại như sau: Xin trích:

Avery Dulles nói rằng lược đồ cho Công Đồng Vaticanô I đã có những câu như thế này:

“Giáo Hội của Chúa không phải là một cộng đồng của những người bình đẳng trong đó mọi tín hữu đều có những quyền như nhau. Đây là một Giáo hội gồm những người không bình đẳng, không phải chỉ vì trong số tín hữu một số người là giáo sĩ một số người là giáo dân mà thôi, song đặc biệt vì lý do trong Giáo Hội Thiên Chúa chỉ ban quyền lực cho một số người để thánh hoá, dạy dỗ, và cai trị, còn những người khác thì không.”

Và lược đồ ấy đã được lấy lại phần nào làm lược đồ cho Công Đồng Vaticanô II, khiến cho có nhiều tranh cãi và lược đồ phải bị sửa đổi 3 lần, và Avery Dulles viết:

“Trong phiên họp Khóa I của Vaticanô II, Giám mục Emile De Smedt, giáo phận Bruges, (Bỉ quốc) đã mô tả đặc điểm của lược đồ này với ba “từ” trở thành nổi tiếng đến nay: clericalism, juridicism, and triumphalism” (xin tạm dịch là: “chủ nghĩa giáo quyền” (có người còn gọi là “giáo sĩ trị”), “chủ nghĩa pháp trị”, và “chủ nghĩa đắc thắng” (theo Tự Vựng Triết Thần Căn Bản của Ngô Minh và Nguyễn Thế Minh).

Cũng theo Avery Dulles thì Giám mục Emile De Smedt đã cắt nghĩa tại sao dùng từ “chủ nghĩa giáo quyền” để mô tả tinh thần của lược đồ, vì nó “nhìn giáo sĩ, đặc biệt là những giáo sĩ ở cấp trên như là nguồn gốc của mọi quyền hành và sáng kiến”. De Smedt “còn nói đến tháp phẩm trật trong đó mọi quyền hành phát xuất từ trên xuống, từ giáo hoàng đến giám mục rồi linh mục, ở dưới nền là giáo dân với một vai trò thụ động và vị trí thấp kém trong Giáo hội. Quan niệm “duy pháp trị” thì xem Giáo hội như một nhà nước trong đó đặt nặng luật pháp và hình phạt…“Chủ nghĩa đắc thắng” xem Giáo Hội như một đạo binh dàn trận chống lại Satan và quyền lực sự dữ”[5] (Hết trích)

Cũng từ quan niệm đó, nên cũng đã từng lưu truyền trong Giáo Hội một khái niệm khá hài hước để định nghĩa giáo dân là những người phải thực hiện 3 chuyện cơ bản nầy: “pray, pay, and obey” (cầu nguyện, cúng tiền, và vâng phục)[6]

2. Trong “Vườn Nho Giáo Hội”, không ai là kẻ dư thừa.

Trở về cội nguồn của Kitô giáo, về lại với những giáo huấn của Tin Mừng, chúng ta sẽ gặp được chính cái nhìn của Thầy Giêsu trên “Đoàn Dân Mới của Ngài”; chắc chắn đó không là “cái nhìn” theo “tháp phẩm trật” phân biệt đối xử giữa “bề trên mục tử có bổn phận phán truyền” và “bề dưới đàn chiên có trách nhiệm vâng nghe”; mà là cái nhìn về “một Vườn Nho” đông vui nhộn nhịp, ở đó, tất cả đều là “những người thợ được Thiên Chúa kêu gọi đi làm cho Ngài”. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã cảm nhận rõ nét ý nghĩa nầy, và ngài đã thuyên giải xuyên suốt trong tông huấn hậu THĐGM thế giới lần thứ VII[7] – “KITÔ HỮU GIÁO DÂN”. Xin trích:

“Cả các anh nữa: Lời mời gọi không chỉ gửi tới các vị Chủ chăn, các linh mục, các tu sĩ nam nữ, nhưng tới mọi người: cả các giáo dân cũng được mời gọi đích danh, nhận lãnh từ Ngài một sứ vụ đối với Giáo Hội và thế giới. Khi giảng thuyết cho các kitô-hữu, Thánh Grêgôriô Cả nhắc lại điều đó khi ngài diễn giải dụ ngôn thợ làm vườn nho trong một bài giảng cho dân chúng: “Anh em thân mến, hãy lưu ý một chút về cách sống của anh em, hãy nghiêm chỉnh xét xem anh em có phải đã là thợ làm vườn của Chúa không. Mỗi người hãy tự xét việc mình làm và nhận định xem mình có làm việc trong vườn nho của Chúa hay không”.[8]

Giáo dân không phải là loại “công dân hạng hai” trong Giáo Hội, mà chính là “Giáo Hội”, là “cành nho giữa muôn vạn cành nho” đang được tháp nhập và chính “Thân Nho Kitô”:

“Đức Giáo Hoàng Piô XII đã khẳng định “Các tín hữu, và chính xác hơn, các giáo dân, có mặt ở hàng ngũ tiền phong trong đời sống Giáo Hội; nhờ họ, Giáo Hội trở thành nguyên lý sống động của xã hội nhân loại. Chính vì thế, họ là những người trước hết phải có một ý thức luôn luôn sáng suốt hơn rằng không những mình thuộc về Giáo Hội, mà còn là Giáo Hội, tức là cộng đồng tín hữu trên trần gian, dưới sự lãnh đạo của một vị thủ lãnh chung là Đức Giáo Hoàng, và các vị Giám mục hiệp thông với ngài. Họ là Giáo Hội.

Phù hợp với hình ảnh cây nho trong Thánh Kinh, các giáo dân, cũng như tất cả mọi thành phần của Giáo Hội, đều là cành nho, được tháp nhập vào Đức Kitô là cây nho đích thực, và chính nhờ Ngài mà họ được trở thành người trao ban sự sống.”[9]

Thật sự chúng ta đã được nghe, được giảng dạy rất nhiều về ơn gọi và sứ mệnh căn bản của mọi người Kitô hữu, các chi thể của một thân thể, cho dù khác nhau về phận vụ[10] (Giáo hoàng, Giám Mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân…) đều bắt nguồn từ chính việc được tham dự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô.[11]

Đây không là sự phát biểu “ngẫu hứng” hay “thậm xưng” chỉ với mục đích để “làm vừa lòng”, hay nói một cách dân giả là “nịnh đầm giáo dân”, nhưng là một khẳng định minh nhiên của Huấn Quyền Hội Thánh, được ghi rõ trong Sắc Lệnh về Hoạt Động Tông Đồ giáo dân (APOSTOLICAM ACTUOSITATEM) của Thánh Công Đông Chung Vatican II:

“Thánh Công Đồng, vì muốn đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tông đồ của đoàn Dân Thiên Chúa, ưu ái hướng về các Kitô hữu giáo dân, những người vẫn giữ một vai trò riêng biệt và vô cùng cần thiết trong sứ mệnh của Giáo Hội như từng được nhắc đến trong các văn kiện khác. Thật vậy, vì khởi phát từ chính ơn gọi Kitô hữu, nên việc tông đồ giáo dân không bao giờ có thể thiếu vắng trong Giáo Hội. Rất nhiều nơi trong Thánh Kinh cũng cho thấy hoạt động nầy đã được thi hành cách tự phát và đạt nhiều kết quả trong những ngày đầu của Giáo Hội”. (x. Cv, 11,19-21; 18,26; Rm 16,1-16; Pl 4,3)[12].

3. Tính cách đặc thù của ơn gọi và sứ mệnh giáo dân.

Hiến chế tín lý về Giáo Hội của Công Đồng chung Vatican II, dành trọn chương IV để minh giải các chiều kích về ơn gọi và sứ mệnh đặc biệt của giáo dân.

“Còn giáo dân, do chính ơn gọi đặc biệt của mình, có bổn phận tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần thế, nghĩa là giữa tất cả và từng nghề nghiệp cũng như công việc trần thế, trong môi trường thông thường của cuộc sống gia đình và xã hội, tất cả nững điều đó như thể đã dệt thành cuộc sống của họ. Trong khung cảnh đó, họ được Thiên Chúa mời gọi, để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng của mình và được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như nắm men góp phần vào việc thánh hoá thế giới từ bên trong, và như thế, họ làm cho người khác nhận biết Đức Kitô, đặc biệt, bằng chứng từ đời sống toả sáng đức tin, đức cậy, đức mến.”[13]

Sắc lệnh Tông Đồ giáo dân đã tái xác nhận về điểm giáo lý nền tảng nầy như sau:

“Tính cách đặc thù của bậc giáo dân là sống giữa thế gian và giữa các công việc trần thế, họ được Thiên Chúa mời gọi để nhiệt thành thực thi việc tông đồ với tinh thần Kitô hữu như chất men thấm vào thế giới”.[14]

Những gì liên quan đến ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân đã được Giáo Hội minh giải, định hướng qua những văn kiện của Công Đồng Vatican II từ 1965, lại được hâm nóng, luận bàn và đề nghị những phương thế áp dụng thực hành cách đặc biệt sau đó hơn 20 năm, với Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 1987 trong chủ đề “ƠN GỌI VÀ SỨ MẠNG CỦA GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI VÀ THẾ GIỚI”, được Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đúc kết qua Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng mang tên “KITÔ HỮU GIÁO DÂN” (CHRISTIFIDELES LAICI”.

Chúng ta có thể đọc thấy ngay “điểm nhấn nội dung” trên qua những dòng đầu tiên của tông huấn. Xin trích:

“Được thừa hưởng di sản vô giá về giáo lý, tu đức và mục vụ, Công Đồng đã viết những trang thật tuyệt vời về bản tính, phẩm giá, linh đạo, sứ mạng và trách nhiệm của giáo dân. Họa theo lời mời gọi của Đức Kitô, các Nghị Phụ công đồng đã mời gọi mọi giáo dân, nam cũng như nữ, vào làm việc trong vườn nho của Chúa: “Nhân danh Thiên Chúa, Thánh Công Đồng hết sức kêu mời tất cả các giáo dân, hưởng ứng sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hãy mau mắn, đại độ và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô, Đấng giờ đây đang tha thiết mời gọi họ. Ước gì giới trẻ hiểu rằng lời mời gọi này được đặc biệt gửi tới họ và ước gì họ vui mừng và quảng đại đón nhận. Quả thật, chính Chúa một lần nữa nhờ Thánh Công Đồng này, mời gọi tất cả các giáo dân hãy kết hợp với Người ngày một mật thiết hơn và nhận thức được những gì của Người cũng là của chính mình (x. Pl 2,5), họ hãy tham gia vào sứ mạng cứu rỗi của chính Người, và một lần nữa Người sai họ đi tới các thành và những nơi Người sẽ đến”. (x. Lc 10,1)[15]

II. ĐỪNG ĐỂ “PHẨM GIÁ” LỤI TÀN

Khi bàn đến những chuyện “hơi thiêng liêng một tý”, thường nhiều người (linh mục, tu sĩ và giáo dân) hay có phản ửng ứng “giẫy nẫy”: “chuyện đó nghe hoài, nói mãi, chán phèo…” !

Thế nhưng, chính những “phản ứng tiêu cực đó” đã biến chúng ta, những Kitô hữu”, trở thành một thứ theo ngôn ngữ của ĐGH Phanxicô: “xác ướp trong viện bảo tàng”:

“Thế là mối đe doạ lớn nhất từ từ hình thành: “chủ nghĩa thực dụng màu xám của đời sống hằng ngày của Hội Thánh, trong đó mọi sự có vẻ diễn tiến bình thường, nhưng trên thực tế đang hao mòn dần và rơi xuống tình trạng thiển cận”. Bằng cách này một tâm lý nấm mồ phát triển và từ từ biến những người Kitô hữu thành những xác ướp trong một viện bảo tàng. Vỡ mộng với thực tế, với Hội Thánh và với bản thân mình, họ trải nghiệm một cám dỗ ở lại trong một thái độ u buồn vô vọng, níu kéo con tim như “liều thuốc quí nhất của quỉ”. Vốn được kêu gọi toả ánh sáng và truyền sự sống, rốt cuộc họ bị giữ chặt trong những cái chỉ sinh ra bóng tối và mệt mỏi nội tâm và dần dần làm tan đi mọi nhiệt tình tông đồ. Về tất cả chuyện này, tôi lặp lại: Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm vui loan báo Tin Mừng.”[16]

1. Có cần không một cuộc “huấn luyện” ?

Tâm thức nhân loại nói chung, đặc biệt, với những người chịu ảnh hưởng “văn hoá Khổng Mạnh”, luôn coi trọng “phẩm giá”, muốn mọi người kính trọng đề cao, sẵn sàng “chết vinh” chứ không bao giờ chịu “sống nhục” (“Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”).

Riêng, đối với những ai chọn theo Đức Kitô, thì phẩm giá cao cả nhất đó chính là được mang danh Ngài, được thuộc về Ngài: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô…” (Pl 1,21).

Nếu tất cả chúng ta, những người cùng mang danh “Kitô hữu”, đều như Thánh Phaolô hết, hay ít ra như Thánh Phaolô Hạnh của Việt Nam[17], thì e rằng, Giáo Hội không cần tốn công của hơi sức để có những cuộc “tập huấn” nầy.

Tuy nhiên, mọi sự đã không được như thế; không phải chỉ hôm nay “cuộc sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô” mới là “điểm nóng thời sự mục vụ của Giáo Hội”, mà là chuyện nhức nhối của những ngày khai sinh Hội Thánh, như tâm tư của chính Thánh Phaolô Tông Đồ trong thư gởi giáo đoàn Philip:

“Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian.” (Pl 3,18-19).

Và đó chính là lý do để Giáo Hội, suốt 2000 năm, “thường huấn chính mình” và “huấn luyện” cho con cái trở nên “những cành nho sai trái”, chứ không phải là “những cành nho khô bị quăng vào lò lửa”, như giáo huấn của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong tông huấn KTHGD:

“Con người được Thiên Chúa mời gọi trong sự tự do của mình, để lớn lên, trưởng thành và sinh hoa trái. Con người không thể không trả lời, không thể không đảm nhận trách nhiệm. Những lời của Đức Giêsu ám chỉ đến trách nhiệm vừa đáng sợ, vừa làm phấn khởi: “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,6).

Chính trong cuộc đối thoại này giữa Thiên Chúa kêu gọi và con người được gọi trong ý thức trách nhiệm của mình, mà người ta thấy có thể và thậm chí cần thiết phải có một sự huấn luyện toàn vẹn và thường xuyên cho người giáo dân. Các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã có lý khi dành một phần lớn công việc của mình cho điều đó. Đặc biệt, sau khi diễn tả việc huấn luyện người giáo dân như “một tiến trình trưởng thành liên tục của cá nhân trong đức tin và là một tiến trình nên giống Đức Kitô, theo ý muốn của Chúa Cha, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”, các ngài xác quyết rõ ràng: “Việc huấn luyện giáo dân phải nằm trong số những ưu tiên của giáo phận và phải có chỗ đứng trong chương trình hoạt động mục vụ, sao cho mọi cố gắng của cộng đồng (các linh mục, giáo dân, tu sĩ) đều quy hướng về mục đích này”[18]

2. Thử xem lại: từ đâu tôi đã “đánh mất tình yêu thuở ban đầu” ?

Từ cuối thế kỷ thứ nhất, Thánh Gioan đã cảnh báo cộng đoàn tín hữu Êphêsô:

“Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi; … Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu. Bằng không, Ta đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó, nếu ngươi không hối cải.” (Kh 2,2-5)

Phải chăng, “xem ngươi đã từ đâu rơi xuống” cũng chính cái lộ trình “Hoán Cải Mục Vụ”[19] mà Đức Giáo Hoàng đề nghị cho toàn dân Chúa cùng nỗ lực thực hiện như bước khởi đầu cơ bản trong công cuộc “Tân Phúc Âm hoá”. Ngài đã diễn tả lại lời nhắc nhở của sách Khải Huyền bằng những ngôn ngữ mới của thời đại thích hợp cho mỗi người chúng ta:

“Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: “Chúa ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa”. Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.”[20]

Xin khơi gợi một vài “điểm rơi” có thể rất “phổ thông” nơi nhiều người:

a. Nhạt mờ “CAM KẾT”

Trong tác phẩm “THE COMPASSIONATE SAMURAI” của tác giả người Mỹ Brian Klemmer, mà bản dịch Việt Ngữ của Nguyễn Trung An và Vương Bảo Long mang tên “TINH THẦN SAMURAI TRONG THẾ GIỚI PHẲNG”, đã chọn phẩm cách “CAM KẾT”, như phẩm hạnh đầu tiên trong số 10 phẩm cách cơ bản của người “Chiến Binh nhân từ”[21]: cam kết, trách nhiệm cá nhân, cống hiến, tập trung, trung thực, danh dự, lòng tin, sung túc, dũng cảm và kiến thức.[22]

Tác giả đã khai mở nội dung ý nghĩa về phẩm cách “CAM KẾT” bằng những lời của Howard Thurman trong tác phẩm Những nguyên tắc tinh thần:

“Cam kết là khả năng tập trung ý chí vào một mục tiêu, một hành động hay một lý tưởng mà ý nghĩa của nó còn quan trọng hơn cả sự sống còn”[23]

Nào chẳng phải căn tính của người Kitô hữu được xây dựng trên chính lời “CAM KẾT THÁNH THIÊNG CỦA NHIỆM TÍCH THÁNH TẨY” ! Cam kết “Từ bỏ ma quỷ, tội lỗi và những quyến rũ bất chính” và “Tin tưởng vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Hội Thánh”[24].

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã cắt nghĩa minh bạch về sự “CAM KẾT” đặc biệt nầy nơi Chương I của tông huấn KTHGD. Xin trích đoạn mở đầu:

“Thật không quá đáng khi nói rằng toàn bộ đời sống của giáo dân có mục đích đưa họ tới chỗ nhận biết sự mới mẻ căn bản Kitô-giáo phát sinh từ bí tích Thánh Tẩy, bí tích của lòng tin, để họ có thể thực hiện những nghĩa vụ theo đúng ơn gọi đã được Thiên Chúa ấn định. Để phác họa “dung mạo” của người giáo dân, chúng ta hãy xem xét một cách trực tiếp và rõ ràng hơn những khía cạnh căn bản sau đây, trong số nhiều khía cạnh khác: Bí tích Thánh Tẩy tác sinh chúng ta vào cuộc sống con cái Thiên Chúa; kết hiệp chúng ta với Đức Kitô và với Thân Thể của Ngài là Giáo Hội; xức dầu cho chúng ta trong Thánh Thần qua việc biến chúng ta thành những đền thờ thiêng liêng.” (Số 10).

Từ “cam kết” nền tảng của bí tích Rửa Tội, đời sống đức tin của chúng ta lớn lên, phát triển, nuôi dưỡng và kết thúc, có thể nói được, qua con đường dài của những “cam kết”. Cam kết khi lãnh nhận Thánh Thể lần đầu, cam kết khi chịu Phép Thêm Sức, cam kết “thuỷ chung yêu thương, đón nhận nhau trong bí tích Hôn phối”, cam kết với thánh vụ của bí tích Truyền chức, cam kết dốc lòng chừa bỏ tội lỗi của bí tích Giải Tội, cam kết dấn thân thuộc về Chúa Kitô khi khấn dòng…cho tới khi cam kết phó thác cuộc sống cho Chúa trong niềm cậy trông của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân !

(Riêng 3 hội đoàn cùng nhau về tham dự khoá huấn luyện nầy đều có những “cam kết” đặc thù trước Đấng bản Quyền và trước cộng đoàn khi chính thức dấn thân gia nhập và lãnh trách nhiệm hoạt động tông đồ).

Sở dĩ ngày hôm nay có quá nhiều người giữ đạo bơ thờ, mỏi mệt, thậm chí khô đạo, bỏ đạo…vì xa lìa chính lời cam kết cơ bản của bí tích Rửa tội, rồi từ đó bỏ luôn các lời cam kết khác. Tôi muôn nhắc lại tinh thần giữ lời cam kết của các samurai: “Các người chiến binh trong lịch sử luôn giữ đúng lời cam kết cho dù phải đánh đổi bằng mạng sống của chính mình. Không phải họ không yêu quý bản thân, nhưng họ biết đặt lời hứa và nguyên tắc lên trên tất cả…”[25]

Để trở thành một “cành nho sinh đầy hoa trái”, thiết nghĩ, điều đầu tiên phải quyết tâm tìm lại và làm mới lại mỗi ngày chính “CAM KẾT” của bí tích Thanh tẩy và mọi cam kết khác trong đời sống Kitô hữu. Phải là những cam kết “bằng lòng” chứ không “bằng mặt”, bằng “lãnh nhận trách nhiệm hoàn toàn” chứ không “tìm cách biện hộ”, giống như “4 câu trả lời” của học viên thuộc học viện quân sự West Point của Mỹ. Vâng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ chỉ được trả lời 1 trong 4 câu sau:

1. Vâng, thưa sếp.

2. Không, thưa sếp.

3. Thưa sếp, tôi không có gì để biện hộ.

4. Thưa sếp, tôi không hiểu.[26]

Trong đời thường cuộc sống không thiếu những mẫu gương anh hùng sống trọn hảo với sự “cam kết” giữ vẹn phẩm hạnh đạo đức, trước những cám dỗ của tiền bạc, giàu sang, như câu chuyện cảm động của “cô bé Chiada và cái túi xách 100 ngàn đô la”[27].

Riêng trong lịch sử Hội Thánh, tất cả các Vị Thánh, tiêu biểu nhất là các Thánh Tử Đạo, phải chăng là những “samura” đã giữ vẹn lời “CAM KẾT” dành cho Chúa Giêsu và Hội Thánh, “CAM KẾT” đi trọn con đường của Tám Mối Phúc Thật, của Thập Giá, của giới luật “tình yêu”…!

Và như thế, mỗi người có thể chọn lời phát biểu cuối cùng của Thánh Tử Đạo Việt nam Phaolô hạnh làm câu châm ngôn để sống mỗi ngày lời “cam kết” của chính mình: “KITÔ HỮU CHO ĐẾN CHẾT” !

b. Đánh mất sự “tập trung cốt lõi”: NÊN THÁNH

Trong chương Tám mang chủ đề “MỤC TIÊU XÁC ĐỊNH” của tác phẩm “CHIẾN THẮNG CON QUỶ TRONG BẠN”, tác giả Napolen Hill đã đặt trên miệng con Quỷ lời thú tội như sau:

“Ngay khi người đó do dự, chần chừ hay không xác định về bất cứ điều gì, anh ta sẽ lập tức rơi vào sự kiểm soát của ta” [28].

Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong tông huấn kêu gọi nên thánh, cũng đã lặp lại những lời mà có thể đã âm vang suốt chiều dài lịch sử trên con đường “hoàn thện Kitô giáo”:

“Khi chúng ta xem thường mất cảnh giác, ma quỷ chụp thời cơ để hủy hoại cuộc sống, gia đình và cộng đoàn chúng ta. Chúng “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8).

“Lời Chúa mời gọi chúng ta thật rõ ràng: hãy “đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ” (Ep 6,11) và “dập tắt mọi tên lửa của ác thần” (Ep 6,16). Đây không là kiểu nói thi vị, bởi vì ngay cả con đường nên thánh của chúng ta cũng là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Những ai không muốn nhìn nhận điều này sẽ làm mồi cho sự thất bại và tầm thường.”[29]

Vâng, “điểm rơi” thứ hai mà chúng cần xét đến chính là: đánh mất sự “tập trung cốt lõi”: NÊN THÁNH.

Nếu bí tích Rửa Tội đưa chúng ta vào đời sống mới làm con cái Thiên Chúa, gia nhập vào một đoàn dân mới, “hàng tư tế vương giả, dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa…” (1 Pr 2,9) cùng với sự “cam kết” nên thánh (từ bỏ tội lỗi, ma quỷ và những quyến rũ bất chính), thì có thể nói được, điểm “tập trung cốt lõi” của đời sống Kitô hữu là nỗ lực sống cho được hai hạn từ “NÊN THÁNH”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn kêu gọi dân Chúa nên thánh đã minh định rõ:

“Nhưng với Tông huấn này, trên hết tôi muốn nhấn mạnh đến lời mời gọi nên thánh mà Chúa ngỏ với mỗi người chúng ta, lời mời gọi mà Ngài cũng ngỏ lời cách riêng tư vói bạn: “Hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,44; X. 1 Pr 1,16). Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố điều này cách rõ ràng: “Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quý như thế, tất cả các tín hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành”[30]

Khi nhắc đến “tiêu đích” nầy, chắc không ít người trề môi “lại chuyện trên trời” ! Vâng, rất nhiều người trong chúng ta vẫn thường quan niệm “nên thánh” là chuyện “quá khó”, chỉ một số ít người thực hiện; và đa phần chỉ có thể sống đời “phàm” bởi nó dễ chịu, thoải mái và trong tầm tay… Và khi cuộc sống Kitô hữu chỉ “tập trung vào cái “PHÀM”, mà lãng tránh, không chú tâm tới cái “THÁNH”, rốt cuộc, trở thành một “Kitô hữu tầm thường, dở dở ương ương, mà nếu dùng ngôn từ của thánh Gioan trong sách Khải Huyền, đó là kẻ bị Thiên Chúa kết án là “hâm hẩm”: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3,15-16)

Chắc chắn vì muốn dân Chúa đặt lại “quan niệm nên thánh” cho đúng đắn, là ơn gọi, là con đường không phải xa lạ mà gần gũi, không phải khó khăn mà ai cũng có thể thực hành, không phải dành riêng chỉ cho một nhóm, một giới nào đó, mà cho chính mỗi người chúng ta…, nên Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành tông huấn “HÃY VUI MỪNG HOAN HỶ”.

Chúng ta có thể gặp thấy các ý nghĩa trên trong mục đề “CŨNG DÀNH CHO BẠN NỮA” trong Chương I của văn kiện nầy. Xin trích:

“Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi công việc bình thường để dành nhiều thời gian cầu nguyện. Không phải thế. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống.(…).Hãy để ân sủng bạn đã nhận lúc lãnh bí tích Rửa Tội sinh hoa kết quả trên đường nên thánh. Hãy để mọi thứ được mở ra cho Thiên Chúa; dù ở tình huống nào vẫn hướng về Chúa. (…).Trong Hội thánh, … bạn sẽ tìm thấy mọi điều bạn cần để lớn lên theo hướng thánh thiện… nơi Kinh thánh, các bí tích, các đền thánh, nơi các cộng đoàn sống động, chứng từ của các thánh và nơi vẻ đẹp muôn màu, bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa.(…). Sự thánh thiện Chúa đang mời gọi bạn như thế sẽ lớn lên bằng những cử chỉ nho nhỏ. (…). Khi Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận bị tù, ngài đã nhất định không để lãng phí thời giờ ngồi chờ ngày được trả tự do. Thay vào đó, ngài đã chọn “sống giây phút hiện tại, đong đầy tình thương vào đó”. (…).Các giám mục Tân Tây Lan thật chí lý khi dạy rằng chúng ta có khả năng yêu thương với tình yêu vô điều kiện của Chúa, bởi vì chính Chúa Phục sinh đã chia sẻ sự sống mãnh liệt của Ngài với những mảnh đời yếu ớt của chúng ta…”[31]

Nếu “chiết xuất” ra những gì được tông huấn trình bày, chúng ta có thể “tập trung” vào trọng tâm: TÔI NÊN THÁNH ĐÓ CHÍNH LÀ:

– Sống đời mình với tình yêu.

– Làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống.

– Để bí tích Rửa Tội sinh hoa kết quả.

– Dù ở tình huống nào vẫn hướng về Chúa.

– Đón nhận và thực hành các phương thế trong Hội Thánh: Kinh thánh, các bí tích, các đền thánh, các cộng đoàn sống động, chứng từ của các thánh…

– Thực hành những cử chỉ nho nhỏ.

– Sống giây phút hiện tại, đong đầy tình thương vào đó…

Riêng ở điểm cuối cùng “Sống giây phút hiện tại, đong đầy tình thương vào đó”, Đức Giáo Hoàng đã minh nhiên nhắc đến “chứng từ thánh sống động” của Vị Tôi Tớ Chúa – Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận. Chúng ta có thể dừng lại một chút để nghe Vị Hồng Y của chúng ta bộc bạch:

“Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định, phải là điều xinh đẹp nhất của cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy dành cho tất cả mọi người tình yêu thương, nụ cười của chúng ta mà không mất đi một giây nào.

Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta hãy là:

khoảnh khắc đầu tiên

khoảnh khắc cuối cùng

khoảnh khắc duy nhất.”[32]

(Đọc thêm: Eckhart Tolle: Sức mạnh của hiện tại: “Ngay khi bạn vừa trân quý phút giây hiện tại, tất cả mọi ưu phiền và vật lộn với đời sống đều tiêu tan và đời sống bỗng trở nên chan chứa niềm vui tươi và sự thanh thản. Khi bạn hành động từ ý thức của phút giây hiện tại, bất cứ điều gì bạn làm, dù chỉ là một hành vi nhỏ nhặt, cũng mang đầy phẩm chất vị tha và thương yêu.”[33]

Nếu mỗi một thành viên chức việc, mỗi hội viên HHMTGTT hay Legio Mariae, hay bất cứ hội đoàn nào, giới lớp nào…đều nỗ lực “tập trung” vào tiêu đích “NÊN THÁNH”, thì chắc chắn, không chỉ đời sống đức tin của mỗi người, của mỗi gia đình, của hội đoàn mình tham gia…mà của cả giáo xứ, giáo hạt, giáo phận sẽ sinh động, phát triển.

Bởi, như Jesé Ortega y Gasset phát biểu: “Hãy nói cho tôi biết bạn chú tâm vào điều gì, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai”[34].

c. Xem thường những “CHI TIẾT NHỎ”

Cứ mỗi mùa thi cử, xã hội Việt Nam lại nóng lên các tin tức chắng mấy tốt đẹp gì về sinh hoạt và hệ thống giáo dục: các vụ nâng điểm, gian lận thi cử, bằng giả…

Cũng có người ra sức biện minh: có mấy người mấy vụ đâu, vài con số, vài cái bằng giả…có sao đâu ! Có đó. Bác sĩ giả sẽ gây ra tử vong cho nhiều người; kỷ sư giả sẽ khiến nhiều công trình sụp đổ; thầy giáo giả sẽ đào tạo những thế hệ học trò dốt nát, bại hoại; tài xế với bằng giả, không được đào tạo bài bản về kỷ năng và nhân cách, sẽ gây tai nạn chết chóc cho bao nhiêu người…

Sở dĩ xã hội Việt Nam ngày nay có quá nhiều tệ đoan, băng hoại, suy thoái đạo đức…vì phải trả giá cho việc xem thường việc “nhỏ mà không nhỏ” chút nào: giáo dục nhân bản, phẩm cách, đạo đức…, giáo dục làm người tử tế, làm người lương thiện !

Trong môi trường “Đạo” thì sao ? Thực tế đa phần là “sống đạo lưng chừng”. Thánh: không dám mơ. Giữ đạo cách “bình dân, đơn sơ” (dâng lễ, đọc kinh, lần chuỗi, xưng tội…): xem thường, không thèm thực hiện.

Vâng, mọi biểu hiện khô đạo, yếu đức tin, nhạt tinh thần truyền giáo, mất nghị lực tông đồ…đều bắt nguồn từ việc “khinh thường những việc nhỏ”.

Thật sự, đức tin mà chúng ta có được hôm nay phải chăng là nhờ có các bà mẹ mà ngay từ còn mang con trong dạ, đã nguyện dâng con cho Chúa, và không ngừng lần chuỗi, đọc kinh, dâng lễ… để những đứa con sau nầy làm linh mục, làm thừa sai đi rao giảng Tin Mừng; là nhờ các người cha, sau mỗi ngày vất vả, trung thành dắt con lên nhà thờ và dọc đàng ân cần dạy con đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh…

Chắc chắn, những vị đại thánh như Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Piô X, Gioan-Phaolô II, các vị Tử Đạo giáo phận như Stêphanô Thể, Gagelin Kính, Anrê Phú Yên, Anrê Kim Thông…, các ngài đạt được sự hoàn thiện và mang lại vô vàn ơn ích cho Hội Thánh chính là nhờ được giáo dục từ những “chi tiết nhỏ” bởi những con người đơn sơ, nhỏ bé, nơi môi trường gia đình giản đơn, khiêm tốn.

Chắc chắn, khi xác tín về những giá trị thầm lặng, ẩn khuất, nhỏ bé của đời sống thấm nhuần Tin Mừng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ân cần nhắn gởi Hội Thánh trong tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ:

“Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ chú ý đến những chi tiết:

Chi tiết nhỏ về chuyện hết rượu tại một tiệc cưới; chi tiết nhỏ về chuyện một con chiên lạc mất; chi tiết nhỏ về việc người goá phụ dâng cúng hai đồng xu nhỏ; chi tiết nhỏ về việc mang dầu dự trữ cho đèn, phòng trường hợp chàng rể đến chậm; chi tiết nhỏ về việc hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu ổ bánh; chi tiết nhỏ về việc nhóm bếp lửa và nướng cá khi Người chờ đợi các môn đệ lúc tinh sương.” (Số 144).

Chỉ trong một đoạn ngắn thôi, chúng ta tìm đọc thấy 6 lần ĐTC nhắc đến cụm từ “chi tiết nhỏ” mà hầu hết là những “chi tiết nhỏ” trong giáo huấn và hành động của chính Chúa Giêsu cách đây 2000 năm được các Tin Mừng kể lại.

Tôi muốn nêu bật lại một vài chứng từ về “chi tiết nhỏ” mà có lần tôi đã nhắc đến trong cuộc Đại Hội HĐMVGP năm 2018:

– “Chi tiết nhỏ” đó là nỗi trăn trở của bà Bộ ở Nhơn Hải, đêm ngày ước mong có được một nhà thờ cho giáo họ; và đã cụ thể hoá nỗi ước mơ đó bằng một cuộc đời đạo hạnh, hằng ngày lần mười mấy chuỗi Mân Côi, không bỏ một lễ Chúa Nhật nào, và không ngại nắng mưa, gió rét, hết chạy đến cha sở tới, lại về Toà Giám Mục, ra tận cửa cơ quan chính quyền… để kêu xin trợ giúp thủ tục và hồ sơ có được đất đai và cơ sở xây dựng nhà thờ.

– “Chi tiết nhỏ” như cộng đoàn anh chị em di dân Bắc Kỳ tại giáo điểm Ba Tơ thuộc miền núi Quảng Ngãi, xa xôi cách trở vẫn cố nhắc bảo nhau giữ đạo, quảng đại góp công góp sức, trung thành họp nhau kinh nguyện gia đình, giữ ngày Chúa Nhật… để hôm nay đã có được một mái ấm đơn sơ sớm hôm họp nhau kinh lễ.

– “Chi tiết nhỏ” như anh Tài ở trên giáo điểm Tân Thuộc, một vùng trắng tôn giáo của huyện Vĩnh Thạnh, nhưng vẫn can đảm trung thành làm chứng đức tin và sống đạo với muôn khăn khó ngặt nghèo, để minh chứng: đạo Chúa vẫn hiện diện ở vùng sâu vùng xa heo hút nầy.

– “Chi tiết nhỏ” như chú Thanh, ông cố của sr. Quyên ở Sơn Nguyên hay anh Thiên ở Ngọc Thạnh, “mâm nào cũng có”, công việc nào của giáo xứ cũng tham gia, từ chức việc tới Legio, từ TNTT tới MTG Tại thế, từ ca đoàn tới GLV…miển sao Chúa được vinh danh, cha sở bớt nhọc nhằn, cộng đoàn được nở mày nở mặt…”

Nhắc đến ý nghĩa “chi tiết nhỏ” nầy, tôi chợt nhớ câu chuyện “CHIẾC TRÂM CÀI TÓC CỦA LỘC NƯƠNG” đã làm nên “TIẾNG CHUÔNG TRỪ TÀ CỦA CHÙA TẾ VŨ”[35]

Một giáo xứ mạnh, một cộng đoàn trưởng thành không phải được đánh giá với các tiêu chí: nhà thờ to lớn, nhà xứ hoành tráng, kiệu rước Đức Mẹ linh đình, lễ Giáng Sinh trang trí hang đá vĩ đại, đèn sáng ngợp trời…; mà chính là, như cách đánh giá của Đức Phanxicô trong tông huấn “HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ”:

“Một cộng đoàn biết trân trọng những chi tiết nhỏ của tình yêu, nơi đó các thành viên chăm sóc lẫn nhau và tạo ra một môi trường mở và đầy tinh thần Phúc âm, là nơi Chúa Phục Sinh hiện diện, thánh hoá cộng đoàn theo kế hoạch của Chúa Cha. Có đôi khi, nhờ món quà tình yêu của Chúa giữa những chi tiết nho nhỏ nầy, chúng ta được Thiên Chúa ban cho những kinh nghiệm an ủi” (Số 145).

KẾT

Trước khi kết thúc “câu chuyện mở đầu” của khoá huấn luyện mục vụ tông đồ giáo dân, tôi muốn trở lại với “hình ảnh con lừa của ngày Chúa Nhật Lễ Lá”. Trong thời đại công nghệ “4.0” nầy, mang hình ảnh “con lừa” để làm biểu tượng cho cuộc “hành trình đức tin”, nên thánh và truyền giáo, e có người sẽ cho là “phản cảm”, không hợp thời.

Tuy nhiên, những gì Thiên Chúa đã chọn lựa, Đức Kitô đã “sử dụng”, thì đều mang giá trị vĩnh hằng; điều cần thiết là hiểu thấu “ý nghĩa đằng sau” cái dấu chỉ “dụng cụ được sử dụng đó”. Ý nghĩa đằng sau dấu chỉ “con lừa” phải chăng là “một dụng cụ tầm thường”, một “đị vị thấp hèn”, một “vai trò ẩn khuất”…nhưng với mục đích “chở Đức Kitô”

Nếu Đức Hồng Y Etchegarey, một chức sắc cao cấp thuộc hàng Giám mục Pháp với địa vị Tổng Giám Mục Marseille, sau đó thuộc Giáo triều Rôma trong trách vụ Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà bình, mà đã tự nhận mình “như một con lừa đang cõng Đức Kitô trên lưng”, thì tôi (một chức việc quèn, một hội viên tầm thường của HHMTGTT, của Legio Mariae…hay gì gì đi nữa) nếu chẳng phải là “chú lừa con” thì cái gì để thích hợp hơn đây ?

Riêng Mục sư Martin Luther King[36] thì đề nghị với chúng ta những loại “dụng cụ” nầy:

“Nếu bạn không thể là cây thông trên đỉnh đồi,

Hãy là bụi rậm trong thung lũng,

Nhưng hãy là bụi rậm đẹp nhất.

Hãy là bụi cây, nếu bạn không thẻ là cây lớn.

Hãy là đường mòn, nếu bạn không thể là đường lớn.

Hãy là ngôi sao, nếu bạn không thể là mặt trời.

Dù bạn là ai,

Không phải bằng tầm vóc mà bạn chiến thắng,

Nhưng bởi sức mạnh trong tình yêu.”[37]

Vâng, dẫu bạn là ai, xin “Làm ơn đừng về hưu non”[38], vì “CHÚA CẦN ĐẾN BẠN” !

Linh mục Giuse Trương Đình Hiền

[1] Nguồn:

http://kinhmungmaria.com/yahoo_site_admin/assets/docs/%C4%90%E1%BB%9Di_t%C3%B4i_ti%E1%BA%BFn_b%C6%B0%E1%BB%9Bc_nh%C6%B0_m%E1%BB%99t_con_l%E1%BB%ABa.259213736.htm

[2] Roger Marie Élie Etchegaray (sinh ngày 25 tháng 9 năm 1922) là một Hồng Y người Pháp của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Etchegaray từng là tổng giám mục của Marseille từ năm 1970 đến năm 1985 trước khi vào giáo triều Rôma, nơi ngài từng là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình (1984-1998) và Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cor Unum (1984 – 1995). Ngài đã được vinh thăng Hồng Y trong Công nghị Hồng Y năm 1979.

Đức Hồng Y Etchegaray được sự chú ý của khán giả quốc tế vào đêm Giáng sinh năm 2009, khi ngài bị thương nặng trong một cuộc tấn công bất thành vào Giáo hoàng Biển Đức XVI khi họ cử hành Thánh Lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Etchegaray đã phải nhập viện do gãy xương. (Theo trang Wikipedia).

[3] ĐHY Roger Etchegaray. Nguyên tác: J’avance comme un âne – Như một con lừa…tôi tiến bước. Dịch giả: Nguyễn Thị Chung. NXB: Tôn Giáo 2010.

[4] Ibid. Tr. 5-6

[5] Avery Dulles. Models of the Church (N.Y., N.Y.: Doubleday; rev. edition 2002), t. 28-32. (Xem thêm bài viết Ơn gọi tông đồ giáo dân của Nguyễn Tri Sử trên trang mạng http://ttntt.free.fr/archive/NguyentriSu2.html)

[6] Shaw, Russell. Understanding your rights: Your rights and responsibilitirs in the Catholic Church (Ann Arbor, Michigan: Servant Publications, 1994), t. 22-23. Câu “pray, pay, and obey” được lấy ra từ mẫu giai thoại đầy tính cười u mặc được chính các đấng trong hàng giáo phẩm cao cấp kể. Y. Congar: “Trong bài tiểu luận “Người giáo dân trong giáo xứ dưới thời Tiền Thệ phản” xuất bản cách đây bốn mươi năm trong tập san Catholic Truth Society, cho biết Hồng Y Aidan Gasquet có kể lại giai thoại một người đến hỏi một linh mục vị thế của người giáo dân trong Giáo Hội Công Giáo là như thế nào, linh mục kia trả lời: người giáo dân có hai vị thế, một là quỳ trước bàn thờ, hai là ngồi ở dưới trước tòa giảng. Hồng Y nói còn có một vị thế thứ ba mà linh mục đã quên: người giáo dân còn thò tay vào ví lấy tiền” (Y. Congar, sđd bản anh văn Lay People…, t. XXVII).

[7] Đây là cuộc THĐGMTG Thường lệ lần thứ VII từ ngày 1-10 đến 8-12-1987 với chủ đề: “Ơn gọi và sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới”. Số người tham dự: 232. Ngày 30-12-1988, Đức Gioan Phaolô II công bố Tông huấn Christifideles laici (Kitô hữu giáo dân).

[8] Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, Tông huấn KITÔ HỮU GIÁO DÂN (CHRISTIFIDELES LAICI), Phần Dẫn Nhập, số 2. Nguồn: Trang Giáo phận Đà Lạt:

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2001/NguoiTinHuuGiaoDan/01NhapDe.htm. (Từ đây về sau, văn kiện nầy sẽ được viết tắt: KTHGD)

[9] Ibid. (KTHGD, Chương I, số 9).

[10] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Bản Việt Ngữ của UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM. Nxb Tôn Giáo 2012. Hiến Chế Tín lý về GIÁO HỘI (LUMEN GENTIUM), số 7, tr. 77. (Từ đây về sau, văn kiện nầy được viết tắt: GH): “Như tất cả các chi thể của thân thể, tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một hân thể, thì các tín hữu trong Đức Kitô cũng vậy (x. 1 Cr 12,12). Trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô, rất cần đến sự đa dạng của các chi thể và phận vụ. Chỉ có một Thần Khí duy nhất là Đấng ban những ân huệ khác nhau theo sự sung mãn của Người và tuỳ nhu cầu của các tác vụ vì ích lợi của Giáo Hội” (x. 1 Cr 12,1-11).

[11] TĐGD. Số 2, tr. 534; GH số 31, tr. 129.

[12] SĐD: CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Bản Việt Ngữ của UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM. Nxb Tôn Giáo 2012. Sắc Lệnh VỀ HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN (APOSTOLICAM ACTUOSITATEM), số 1, tr. 531-532. (Từ đây về sau, văn kiện nầy được viết tắt: TĐGD)

[13] SĐD (GH số 31, tr. 129).

[14] SĐD (TĐGD, số 2, tr. 534)

[15] SĐD: (KTHGD, Phần Dẫn Nhập, số 2).

[16] ĐGH Phanxicô, tông huấn “NIỀM VUI TIN MỪNG” (EVANGELII GAUDIUM), Bản Việt ngữ của Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng, trực thuộc HĐGMVN, 2013. Số 83, tr. 72. (Từ đây về sau, văn kiện nầy được viết tắt: NVTM)

[17] Trích từ “Hạnh Thánh Tử Đạo Phaolô Hạnh” với tựa đề “CÁNH HOA TÍM NGÁT HƯƠNG”: Những người bị anh khuất phục tức giận tìm cách trả thù. Họ chọn giải pháp hèn hạ nhất “ném đá giấu tay”. Họ tố cáo anh là Kitô hữu, và gán cho anh tội tiếp tay với quân đội Pháp. Trước tòa án, anh không bao giờ nhận tội phản quốc, vì thực tế anh không làm. Nhưng khi quan hỏi: “Anh có phải là Kitô hữu không?” thì anh công nhận, và còn khẳng định rằng: “Sẽ là Kitô hữu cho đến chết”. Nguồn: http://truongdinhhien.net/index.php/2019/05/27/canh-hoa-tim-ngat-huong/

[18] SĐD: (KTHGD, Chương V, số 57)

[19] NVTM, số 25, tr. 27: “Tôi hi vọng tất cả các cộng đoàn sẽ dành những cố gắng cần thiết để tiến tới theo con đường của một sự hoán cải mục vụ và truyền giáo không để tình hình tiếp tục như hiện tại.”

[20] Ibid. Số 3, tr. 8

[21] Brian Klemmer, “THE COMPASSIONATE SAMURAI”, bản dịch Việt Ngữ: “TINH THẦN SAMURAI TRONG THẾ GIỚI PHẲNG” của Nguyễn Trung An và Vương Bảo Long, nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016. Lời Giới Thiệu, tr. 8: “Cụm từ Võ Sĩ Đạo hểu theo nghĩa đen là “đạo hay con đường của chiến binh”. Khái niệm về một chiến binh dũng mãnh với trái tim nhân hậu nghe đầy nghịch lý, nhưng bản thân từ chiến binh trong tiếng Nhật (samura) còn có nghĩa là “phục vụ”. Xét ở tầng ý nghĩa sâu nhất thì trái tim của một chiến binh như vậy là để giúp đỡ mọi người. Dựa trên cơ sở đó, tôi đã mở rộng khía cạnh này để tạo ra thuật ngữ “chiến binh nhân từ” dành để chỉ những người hội tụ được các giá trị đạo đức vững vàng, có khả năng biến những ý định của mình thành hiện thực, trong khi vẫn dành trọn cuộc đời để phụng sự xã hội”.

[22] Ibid. Tr. 11.

[23] Ibid. Tr. 15

[24] UỶ BAN PHỤNG TỰ trực thuộc HĐGMVN, SÁCH LỄ RÔMA 1992, TR. 300.

[25] Brian Klemmer, “THE COMPASSIONATE SAMURAI”, bản dịch Việt Ngữ: “TINH THẦN SAMURAI TRONG THẾ GIỚI PHẲNG” của Nguyễn Trung An và Vương Bảo Long, nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016. CHƯƠNG 1 CAM KẾT, tr. 16

[26] Ibid. Tr. 22.

[27] Câu chuyện cảm động lưu hành trên facebook và được đăng lại trên trang:

PHẨM HẠNH : MỘT TÀI SẢN CAO QUÝ !

[28] Napolen Hill, nguyên tác: OUTWRITTING THE DEVIL. Bản dịch Việt ngữ: CHIẾN THẮNG CON QUỶ TRONG BẠN. Dịch giả: Thanh Minh. Nxb. Lao Động, tái bản lần thứ 7, 2019. Chương Tám, tr. 171.

[29] SĐD: ĐGH Phanxicô, Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỶ (GAUDETE ET EXSULTATE), chuyển ngữ: Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân, Văn phòng HĐGMVN, nxb. Tôn Giáo 2018. Chương V: CUỘC CHIẾN DẤU THIÊNG LIÊNG, TỈNH THỨC VÀ PHÂN ĐỊNH, số 161, 162, tr. 108. (Từ đây về sau, văn kiện nầy được viết tắt: VMHH)

[30] VMHH. Chương I, số 10, tr. 11-12.

[31] VMHH, số 14-18; tr. 14-18

[32] TGM F.X. Nguyễn Văn Thuận. Chứng nhân hy vọng. Bài suy niệm thứ 6. DÙ KHI ĂN DÙ KHI UỐNG.. Tr. 70

[33] SĐD (SỨC MẠNH CỦA HIỆN TẠI (POWER OF NOW của Eckhart Tolle): Chương 3: Hãy kiên trì chú tâm vào giây phút hiện tại: (Bản PDF tại nguồn: https://thuvienhoasen.org/images/file/jwEzuTL00ggQAF06/suc-manh-cua-hien-tai-2-.pdf)

[34] Brian Klemmer, “THE COMPASSIONATE SAMURAI”, bản dịch Việt Ngữ: “TINH THẦN SAMURAI TRONG THẾ GIỚI PHẲNG” của Nguyễn Trung An và Vương Bảo Long, nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016. CHƯƠNG 4 SỰ TẬP TRUNG, tr. 81.

[35] Một truyền thuyết của nhà Phật: Thiếu phụ nghèo Lộc Nương chỉ có một chiếc trâm cài tóc bằng gỗ, đã thể hiện lòng thành, cúng cây trâm cho chùa Tế Vũ để đúc chuông trừ tà dịch. Sư đúc chuông lấy vàng bạc đúc còn chiếc trâm ném đi. Chuông đúc 3 lần không kêu lại có in lõm hình chiếc trâm trên thân. Sau nhớ lại, thành tâm sám hối, quyết tìm lại chiếc trâm, chuông tự động kêu vang và hình cây trâm vá lại chỗ lõm. Tà dịch được xua trừ.

[36] “Martin Luther King, Jr. (viết tắt MLK; 15 tháng 1 năm 1929 – 4 tháng 4 năm 1968) là Mục sư Baptist, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động. King được nhiều người trên khắp thế giới ngưỡng mộ như một anh hùng, nhà kiến tạo hoà bình và thánh tử đạo.

King dẫn dắt cuộc tẩy chay xe buýt diễn ra ở Montgomery (1955-1956), và giúp thành lập Hội nghị Lãnh đạo Cơ Đốc miền Nam (1957), trở thành chủ tịch đầu tiên của tổ chức này. Năm 1963, King tổ chức cuộc tuần hành tại Washington, và đọc bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” trước hàng ngàn người tụ tập về đây. Ông nâng cao nhận thức của công chúng về phong trào dân quyền, và được nhìn nhận là một trong những nhà hùng biện vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Năm 1964, King là nhân vật trẻ tuổi nhất được chọn để nhận Giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc qua biện pháp bất tuân dân sự, và các phương tiện bất bạo động khác. Ngày 4 tháng 4 năm 1968, King bị ám sát tại Memphis, Tennessee. Năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter truy tặng King Huân chương Tự do của Tổng thống. Đến năm 1986, ngày Martin Luther King, Jr. được công nhận là quốc lễ. Năm 2004, ông được truy tặng Huân chương vàng Quốc hội.” (Theo trang Wikipedia)

[37] ĐHY Roger Etchegaray. Nguyên tác: J’avance comme un âne – Như một con lừa…tôi tiến bước. Dịch giả: Nguyễn Thị Chung. NXB: Tôn Giáo 2010. Tr. 124.

[38] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn ĐỨC KITÔ HẰNG SỐNG (CHRISTUS VIVIT), Bản dịch: Phạm Xuân Khôi, số 147: “Hỡi những người trẻ, đừng bỏ mất những năm tốt nhất của tuổi trẻ, đừng ngắm nhìn cuộc sống từ ban công. Đừng lầm lẫn hạnh phúc với một chiếc ghế bành và đừng sống cả cuộc đời trước màn ảnh. Đừng trở nên cảnh tượng đau lòng của một chiếc xe phế thải. Đừng trở thành những chiếc xe đang đậu, thay vào đó hãy để cho những giấc mơ nở hoa và hãy có những quyết định tốt. Hãy mạo hiểm, ngay cả khi các con thất bại. Đừng sống sót với tâm hồn tê mê và đừng nhìn thế giới như thể các con là du khách. Hãy gây tiếng ồn ào! Hãy xua tan những nỗi lo sợ làm tê liệt các con, để các con không trở thành những xác ướp trẻ. Hãy sống! Hãy cho mình những gì tốt nhất trong cuộc sống! Hãy mở cửa lồng và hãy bay đi! Làm ơn đừng về hưu non.”

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.