Ân sủng Thiên Chúa và ý chí tự do của con người cùng hoạt động

Bất cứ một Tôn giáo nào, khi trình bày giáo lý của mình cũng đều có điểm chung là hướng đến sự giải thoát con người. Thế nhưng, cách thức giải thoát như thế nào? Tình trạng sau giải thoát là gì? Thì mỗi tôn giáo lại có một giáo lý riêng.

Ân sủng Thiên Chúa và ý chí tự do của con người cùng hoạt động

Theo giáo lý của nhà Phật thì con người sống luôn phải tuân theo luật nhân quả: hành động trong quá khứ là nhân, tình trạng đời sống hiện tại là quả và chúng tiếp tục đổi chỗ cho nhau, cứ như thế con người vừa là nhân vừa là quả. Con người cứ sống chết từ kiếp này sang kiếp khác trong Lục đạo (thiên đạo, nhân đạo, Atula đạo, quỷ đạo, súc sinh đạo, địa ngục đạo) xoay tròn như cái bánh xe gọi là kiếp luân hồi. Mục đích của kiếp luân hồi là để giải thoát con người khỏi đau khổ và đạt được Niết Bàn. Tuy nhiên, muốn được như thế, con người phải từ bỏ hết dục vọng (diệt dục) trong mình, nhưng việc đó không dễ để thực hiện, nên cần phải được làm nhiều lần từ kiếp này qua kiếp khác mới hy vọng đạt được.

Theo Đức Phật, phương thức duy nhất giúp giải thoát con người (đạt được Niết Bàn) không phải bởi Đấng Siêu Việt, nhưng nhờ vào Bát Chính Đạo (gồm: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định). Đó là tám con đường, mà con người, với nỗ lực bản thân để được thoát khổ thoát nạn, được yên tĩnh và được hạnh phúc đích thực. Qua đó, ta thấy trong giáo lý của Phật giáo có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt với giáo lý của Giáo hội Công giáo chúng ta. Với niềm tin của Giáo hội Công giáo, khẳng định việc giải thoát con người cần phải có sự trợ giúp (ân sủng) của Đấng Siêu Việt (Thiên Chúa).

Nếu như theo nhận định trên, phải chăng con người không thể tự giải thoát mình mà phải nhờ đến ân sủng Thiên Chúa mới được sao? Như thế thì ân sủng sẽ làm mất hoặc giảm thiểu ý chí tự do của con người. Tuy nhiên, giáo lý Giáo hội Công giáo đã trình bày rõ ràng: Ân sủng Thiên Chúa và ý chí tự do con người cùng hoạt động để giải thoát con người.1 Vậy, chúng ta sẽ hiểu tương quan và cách thức hoạt động của nó như thế nào, để dù có ân sủng Thiên Chúa nhưng ý chí tự do con người vẫn luôn được tôn trọng?

Để giúp quý vị hiểu hơn về giáo lý trên của Giáo hội Công giáo, tôi sẽ trình bày theo nội dung sau: (1) Khái niệm về ân sủng Thiên Chúa, ý chí tự do và sự tự do con người, (2) Một vài nguyên nhân dẫn đến quan điểm sai lầm, (3) Ân sủng Thiên Chúa và ý chí tự do con người cùng hoạt động.

1. Khái niệm về ân sủng Thiên Chúa, ý chí tự do và sự tự do

Đây chính là những khái niệm mà vào khoảng thế kỷ V, thánh Augustinô (354-430), vị “tiến sĩ ân sủng” đã trình bày và sau này Giáo hội Công giáo đã hệ thống lại trong giáo lý.

Về ân sủng, đó là một hồng ân, một sự trợ giúp nhưng không mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để đáp lại lời kêu gọi của Người, trở thành con cái Thiên Chúa, làm nghĩa tử, tham dự vào bản tính Thiên Chúa và vào sự sống muôn đời.2 Đó chính là việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình cho con người và đã nên trọn vẹn nơi cuộc thương khó và phục sinh của Đức Giêsu Kitô (x. Rm 8,32).

Về ý chí tự do, đó là khả năng chọn lựa mà mỗi người sinh ra cùng với nó. Ý chí tự do chính là ý chí khi nó thuộc về bản tính thiêng liêng. Nó không bao giờ mất đi, ngay cả khi ý chí ở trong tình trạng nô lệ của tội.3

Về tự do, đó là tình yêu dành cho điều thiện, là tình trạng của ý chí hướng về sự thiện đích thực, tức là Thiên Chúa. Nó được ghi vào trong chuyển động dẫn con người tham dự vào đời sống Thiên Chúa, tùy theo ơn gọi của mỗi người.4

Qua phần trình bày cho chúng ta có được sự phân biệt rõ ràng, để như là nền tảng giúp chúng ta đi vào từng vấn đề và nhận biết đâu là quan điểm sai lầm, đâu là giáo lý chính thống của Giáo hội.

2. Một vài nguyên nhân dẫn đến quan điểm sai lầm

Người ta thường sai lầm khi nhận định rằng: Ân sủng của Thiên Chúa có khả năng làm mất hoặc giảm thiểu ý chí tự do con người. Nguyên nhân chính yếu là do chính họ hoặc  do ảnh hưởng từ quan điểm sai lầm về chính bản chất của ân sủng và ý chí tự do.

Về ân sủng, người ta cho rằng, ân sủng chỉ như là một sự tác động từ bên ngoài thôi thúc con người, giống như một một sự tác động lực trong vật lý tự nhiên theo nguyên lý nhân quả.5 Một quan điểm khác nữa khi người ta cho rằng, Thiên Chúa là vị thần hay ghen tương, vì sợ con người vượt lên bằng hoặc hơn mình, nên dùng đến thứ ân sủng như để “cầm chân” con người, để nó luôn tùng phục và nô lệ mình.6 Vì thế, ân sủng có khả năng làm mất hoặc giảm thiểu ý chí tự do của con người.7

Về ý chí tự do, nhiều người có sự nhầm lẫn giữa ý chí tự do và sự tự do; họ cũng hiểu sai về bản chất của sự tự do khi cho rằng, tự do là tùy ý làm những gì mình muốn,8 nên không thể chấp nhận quan điểm của Giáo hội về việc con người bị tổn thương do Tội Nguyên Tổ, và cần đến sự trợ giúp của ân sủng. Đồng thời, họ cũng phủ nhận sự cùng hoạt động giữa ân sủng và ý chí tự do trong con người để được giải thoát.9

Biết được nguyên nhân chính dẫn đến sự sai lầm trong quan điểm của một số người, vậy chúng ta cần phải trình bày và giải thích giáo lý chính thống của Giáo hội như thế nào?

3. Ân sủng của Thiên Chúa và ý chí tự do con người cùng hoạt động

Đây là đề tài mà thánh Augustinô đã trình bày qua các tác phẩm nổi tiếng như: “Tinh thần và chữ viết” (412), “Bàn về ân sủng và ý chí tự do” (426)… và qua các giai đoạn khác nơi các giáo phụ, các công đồng và các nhà thần học cũng đã trình bày, để bảo vệ giáo lý chính thống của Giáo hội, đó là kho tàng quý giá cho đến ngày nay. Tôi sẽ trình bày lại và diễn tả đề tài theo ngôn ngữ hiện nay cho dễ hiểu, phần này sẽ được triển khai theo các mục: (3.1) Nguồn gốc của ân sủng và ý chí tự do con người, (3.2) Ý chí tự do con người cần đến ân sủng Thiên Chúa, (3.3) Ân sủng Thiên Chúa luôn tôn trọng ý chí tự do con người, và (3.4) Cách thức cùng hoạt động của ân sủng Thiên Chúa và ý chí tự do con người.

3.1. Nguồn gốc của ân sủng và ý chí tự do con người

Như trong phần trình bày về khái niệm, chúng ta khẳng định chắc chắn rằng: nguồn gốc của ân sủng và ý chí tự do đều đến từ Thiên Chúa. Ân sủng xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, từ tạo dựng đến mạc khải và cuối cùng trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô (hiện thân của ân sủng). Nơi Người, ân sủng của Thiên Chúa biểu lộ hành vi tự thông ban chính mình của Thiên Chúa cho con người trong sự tác động của Chúa Thánh Thần, để cho chúng ta được tham dự sự sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ý chí tự do thì luôn luôn đi liền với bản tính con người, mà con người xuất phát từ đâu nếu không phải là từ công trình tạo dựng do bởi tình yêu của Thiên Chúa. Người đặt để trong con người một ý chí tự do, để con người có được khả năng chọn lựa hầu đạt đến sự tự do đích thực là sự thiện, là chính Thiên Chúa. Đây chính là sự cao quý nơi con người so với các loài thụ tạo khác, vì con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Người (x. St 1,27). Qua đó, ta có thể khẳng định rằng: con người là nơi gặp gỡ giữa ân sủng và ý chí tự do.

Như vậy cả ân sủng Thiên Chúa và ý chí tự do con người sẽ cùng hoạt động và đưa con người đi vào trong logic tình yêu và đạt được sự sống nơi Thiên Chúa.

3.2. Ý chí tự do con người cần đến ân sủng Thiên Chúa

Sau khi Nguyên Tổ sa ngã (x. St 3,1-24), chối từ tình yêu của Thiên Chúa, thì bản tính của toàn nhân loại bị tổn thương, con người đã đánh mất tự do, đồng thời ý chí con người cũng bị tổn thương và dễ nghiêng chiều về sự tội (x. Rm 7,19). Vì sự sa ngã của con người, nên với sức riêng của mình không thể nhận biết và yêu mến Thiên Chúa được, cũng không thể sống trong thời gian mà lại không phạm tội.10 Như vậy, con người cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, cần được tha thứ và đón nhận trở về, cần được tự do và được gắn kết lại trong tình yêu với Thiên Chúa.

Chính điều đó cho ta thấy được sự cần thiết của ân sủng đối với ý chí tự do của con người: “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,5). Thánh Phaolô cũng nói: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1); và “Ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2 Cr 3,17). Tuy nhiên, ân sủng Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng ý chí tự do con người chúng ta.

3.3. Ân sủng Thiên Chúa luôn tôn trọng ý chí tự do con người

Sau khi Nguyên Tổ phạm tội, con người trở thành những tội nhân đáng thương. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người, nên tình yêu đã biến thành lòng thương xót để trao ban và cứu độ con người qua chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

Dẫu biết rằng, Thiên Chúa làm được mọi sự như “vẽ đường thẳng trên những đường cong,” nhưng khi nói về tình yêu đã trở nên lòng thương xót, thì điều kiện tất yếu là bên được thương xót phải biết mở lòng ra để sẵn sàng đón nhận sự tha thứ và chăm sóc từ Đấng xót thương. Như tiên tri Giêrêmia đã thưa cùng Đức Chúa: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng”(Gr 20,7). Chúng ta tin rằng, ngay cả thái độ mở lòng của chúng ta cũng là hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa, là sự tác động từ Đấng xót thương. Qua đó, cho thấy Thiên Chúa luôn đi bước trước đến với con người (x. 1 Ga 4,19).

Thế nhưng, Người vẫn luôn tôn trọng ý chí tự do con người, như lời thánh Augustinô nói: “Lạy Chúa, khi Chúa tạo dựng thì Ngài đâu có cần hỏi ý kiến của con, nhưng khi cứu độ thì Ngài cần con cộng tác.” Điều này cũng được thể hiện qua các giao ước trong Cựu Ước (x. Đnl 30,19-20), qua các Ngôn sứ (x. Hs 2,4-25) và qua chính Đức Giêsu Kitô (x. Mt 23,37; Dt 1,1-4).

3.4. Cách thức cùng hoạt động của ân sủng Thiên Chúa và ý chí tự do con người

Tôi sẽ trình bày vấn đề qua ba mối tương quan đại diện và đây cũng là cách để diễn tả mối tình giữa Thiên Chúa và con người.11

Xét theo tương quan tình phụ tử.

Trong tương quan tình phụ tử, người cha chính là người mở ngõ cho sự hiện hữu của người con. Người con được chào đời, nuôi dưỡng, dạy dỗ… do bởi tình thương của người cha. Người cha chuẩn bị cho con một môi trường để được yêu thương và từ đó cũng học cách để biết yêu thương. Khi mà người con chưa có sự trưởng thành cũng như khả năng tự lập, hay chịu trách nhiệm về những lựa chọn, thì người cha chính là người đại diện và bảo hộ quyền đó cho con. Đến thời mà người con đó đủ sự trưởng thành và chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình thì người cha từ từ trao lại quyền đó cho con. Thế nhưng, không vì thế mà cha không quan tâm gì đến con nữa mà luôn luôn ở bên hướng dẫn, động viên để con biết lựa chọn đúng và được hạnh phúc (x. Lc 15,11-32).

Vì thế, người con phải luôn dành cho cha một chỗ đứng quan trọng trong mình, khi đó những gì người cha muốn tốt cho con mới có giá trị. Chỉ những ai biết trân trọng, lắng nghe, thấu hiểu và thi hành ý của người cha, mới là người con ngoan, đây cũng chính là nền tảng cho tình phụ tử giữa chúng ta với Thiên Chúa (x. Rm 8,14-17).

Như vậy, xét trong tương quan tình phụ tử để thấy rằng, giữa ân sủng của Thiên Chúa và ý chí tự do con người không có chuyện triệt tiêu hay đối chọi nhau, nhưng là cùng nhau hành động, để con người được ở trong Thiên Chúa là Cha nhờ Đức Giêsu Kitô (x. Ep 1,5). Khi nhập thể làm người, Đức Giêsu không chỉ mạc khải cho chúng ta biết về Cha, mà còn cho chúng ta trở thành bạn hữu của Người (x. Ga 15,15).

Xét theo tương quan tình bạn.

Trong tình bạn, như chúng ta kinh nghiệm, họ đến với nhau mà không bị ép buộc bởi một lý do nào nhưng hoàn toàn tự nguyện và trao ban. Điều quan trọng là họ luôn tôn trọng sự khác biệt của nhau; họ hiểu nhau, chia sẻ cho nhau và giúp nhau nên tốt hơn. Mặc dù, họ luôn dành điều tốt cho nhau, nhưng vẫn luôn giữ những danh giới cá nhân của người bạn mình, để không gây sự phân biệt trong cách đối xử với nhau.

Từ trước tới nay, chưa có một tôn giáo nào mà vị thần của họ lại trở nên người bạn của họ, vì điều này thật là phi lý. Thế nhưng, với Kitô giáo thì thực sự là như thế, chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa và cũng chính là Thiên Chúa nhập thể làm người đã nói: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Trong hành trình rao giảng, Đức Giêsu đã cùng ăn, cùng uống và sống chung với các môn đệ, tất cả những gì Người làm đã trở nên một gương mẫu trong tình bạn với chúng ta. Nhưng không vì thế mà chúng ta coi mình là ngang hàng với Thiên Chúa, ngược lại chúng ta nhận thấy mình được vinh dự lớn lao hơn bất cứ loài thụ tạo nào, để chúng ta luôn biết khiêm tốn và trân trọng cũng như sống ân ban đó cho xứng đáng (x. Cl 2,6-11).

Không chỉ dừng lại ở tương quan tình bạn để cho chúng ta biết ân sủng Thiên Chúa và ý chí tự do con người cùng hoạt động, mặc khải Kitô giáo còn cho chúng ta nhận ra một ân ban tuyệt vời hơn hết đó là tương quan trong tình yêu: Tình yêu giữa Thiên Chúa và con người.

Xét theo tương quan tình yêu.

Ân sủng là gì nếu không phải là tình yêu đi bước trước của Thiên Chúa đến với con người, để yêu thương nó, quyến rũ nó và đưa nó vào tình yêu nội tại của Người, nhưng vì là tình yêu nên bên được yêu là con người phải biết mở trái tim mình ra để đón nhận (x. Gr 20,7). Ở điểm này, khi nói Thiên Chúa đi bước trước trong tình yêu này, làm cho chúng ta cảm thấy con người ở vào thế bị động và như thế thì ý chí tự do đâu còn toàn vẹn nữa.

Thế nhưng, chúng ta biết rằng, “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không thể biết được.” Quả đúng là như thế, qua kinh nghiệm bản thân cũng như chứng kiến những biểu hiện của những người đang yêu, chúng ta chắc chắn về kết luận đó. Khi người ta đến với nhau, khởi đầu đó nó sẽ là những cái gì đó đơn sơ, bình dị như một sự quan tâm, cử chỉ, ánh nhìn hay một lời nói… nhưng dần dần đó chính là những sợi tơ hồng đang dệt nên một tình yêu bền vững giữa hai bên. Điều đặc biệt, khi người ta qua sự mách bảo của con tim, họ sẽ mặc cho những hành động đó dấu chỉ về tình yêu. Con tim chính là điểm “thâu hồi” trong tình yêu, nó nhận định, nó phân tích và đưa ra một kết luận. Khi họ yêu nhau, điều kiện căn bản là họ phải thật lòng với nhau, hiểu nhau và cảm thấy có sức hút của nhau nhưng vẫn luôn tôn trọng nhau. Khi nói đến tương quan tình yêu thì mọi hành động của phía bên này, phải luôn luôn là cái gì đó mà bên kia đang chờ đợi và có thể vượt lên trên cả sự chờ đợi là kết hiệp.

Đó là kinh nghiệm của tình yêu nam nữ, còn lên cao hơn nữa, chúng ta sẽ thật ngạc nhiên trong tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, vì tự nội tại “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16). Tình yêu giữa Ba Ngôi sẽ tuôn trào đến với loài người chúng ta qua tạo dựng, tha thứ, tuyển chọn, mạc khải… và hơn hết là cứu độ qua Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nhập thể, chịu chết và phục sinh (x. Ga 3,16-21). Như thánh Phaolô đã viết: “Vì yêu mến tôi, nên Người đã hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Cũng chính từ cảm nghiệm tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa mà thánh Augustinô đã cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa và lòng con khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Chúa.” Đó là lời nguyện phát xuất từ sâu thẳm trong con tim đang đầy ắp tình yêu, đang muốn dành trọn Người mình yêu và nên một với Người, như thánh Phaolô viết: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Kitô” (Rm 8,39).

Như vậy, ân sủng của Thiên Chúa đã đưa ý chí con người đi vào trong tình yêu, để nhờ tình yêu đó, ý chí con người được thỏa mãn và đạt đến sự tự do đích thực là chính Thiên Chúa (x. Ga 6,44; Pl 2,12-18). Đó chính là sự quyến rũ trong tình yêu Thiên Chúa đối với con người, để con người được “thần hóa” nhờ Đức Giêsu Kitô và trong sự hợp tác của Chúa Thánh Thần.

Kết Luận

Qua phần trình bày trên, cho chúng ta có được một cái nhìn khách quan hơn, xác tín hơn về sự cùng hoạt động giữa ân sủng Thiên Chúa và ý chí tự do con người trong việc giải thoát chính con người chúng ta, cho ta được tham dự vào sự sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin được mượn lời của thánh Phaolô để tóm kết toàn bộ phần trình bày: “Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi” (1 Cr 15,10).

 

John Phạm

Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.