https://youtu.be/bppWfRsN3ew
HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN C
Lc 10,1-12.17-20
1. Đọc Lc 10,1-12; 9,1-6. Ngoài Tin Mừng Luca, có Tin Mừng nào nói đến việc Đức Giêsu sai 72 môn đệ không? Việc sai 72 môn đệ có ý nghĩa gì đối với người giáo dân không? Đọc Dân số 11,16-17.
2. Tại sao Đức Giêsu sai đi từng hai người một? Xem Đệ nhị luật 17,6; 19,15; Cv 13,2; 15,27.39-40;19,22.
3. Đọc Lc 10,2. Đức Giêsu so sánh việc rao giảng Nước Thiên Chúa với việc gì? Còn ở Lc 5,10-11, Đức Giêsu lại so sánh với hình ảnh gì?
4. Chủ của mùa gặt là ai? Đọc Lc 10,1.3. Tại sao phải cầu xin Chúa sai thợ gặt đến?
5. Thái độ của người môn đệ khi vào bất cứ nhà nào (Lc 10,5-7) hay thành nào (Lc 10, 8-12) có gì giống nhau không? Cử chỉ phủi bụi chân lại mang ý nghĩa gì?
6. Đọc Lc 10,17. Các môn đệ trừ được ma quỷ nhờ ai? Đọc Cv 3,6; 4,10.
7. Đọc Lc 10,18. Khi nào thì Xa-tan từ trời sa (ngã) xuống? Khi nào Nước Thiên Chúa thắng được nước của Xa-tan? Đọc Lc 11,18-20.
8. Cho biết ý nghĩa của các đoạn sau đây: Lc 10,19; Mc 16,18; Cv 28,3-5; Rm 16,20.
9. “Tên được ghi trên trời” nghĩa là gì? Đọc Xh 32,32-33; Đn 12,1; Tv 69,29; Kh 3,5; Pl 4,3. Đâu là niềm vui đích thực của người môn đệ?
CÂU HỎI SUY NIỆM: Đọc và suy niệm Lc 10,3-4. Theo bạn, người đi rao giảng Tin Mừng xưa và nay đều cần đem theo điều gì?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Trong Luca 9,1-6 ta thấy Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai Tông đồ đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa bệnh cho người yếu đau. Trong Luca 10,1 ta lại thấy Đức Giêsu chỉ định một Nhóm Bảy mươi hai môn đệ khác đi trước chuẩn bị cho Ngài vào các nơi Ngài định đến. Chỉ Tin Mừng Luca mới nói đến Nhóm môn đệ đông đảo này. Có tác giả cho rằng Nhóm Bảy mươi hai là một nhóm giáo dân đi theo làm môn đệ Đức Giêsu, tuy họ không theo sát Ngài và dấn thân dứt khoát như Nhóm Mười Hai, nhưng họ cùng chia sẻ một sứ vụ với Nhóm này (Lc 10,9). Trong sách Dân số 11,16-17, ĐỨC CHÚA đã bảo ông Mô-sê tập họp bảy mươi kỳ mục tại Lều Hội Ngộ, để họ được ban một phần Thần Khí của Mô-sê mà chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo dân với ông.
2. Chúa Giêsu sai Nhóm Bảy mươi hai đi từng hai người một vì nhiều lý do. Trước hết, theo sách Đệ nhị luật 17,6; 19,15, muốn cho lời chứng có giá trị thì cần hai hay ba nhân chứng. Ngoài ra, hai người đi với nhau sẽ trở thành bạn đồng hành của nhau, nâng đỡ nhau, bảo vệ nhau, bổ sung cho nhau trong việc rao giảng cho dân chúng cũng như chữa bệnh, trừ quỷ. Khi đọc sách Công vụ Tông đồ, ta cũng thấy các ông được sai đi từng hai người một (Cv 13,2; 15,27.39-40; 19,22).
3. Trong Luca 10,2, Đức Giêsu so sánh việc các môn đệ đi loan báo Nước Thiên Chúa với việc họ được sai đi gặt lúa chín. Còn ở Lc 5,10-11 Đức Giêsu lại coi việc đó như việc đánh bắt cá của một ngư phủ. Sau này Phêrô lại được Chúa phục sinh giao nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Ngài (Ga 21,15). Như thế Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh khác nhau, về nông nghiệp, ngư nghiệp hay chăn nuôi, để diễn tả việc Ngài sai các môn đệ đến với dân chúng. Xem thêm Ga 15,16.
4. Chủ hay Chúa (Kurios) của đồng lúa chín đang chờ người gặt là chính Chúa Giêsu. Chính Ngài là Chúa (x. Lc 10,1.17) sai các môn đệ đi gặt lúa. “Này Thầy sai anh em đi…” (Lc 10,3). “Thầy sai anh em đi gặt…” (Ga 4,38). Chúa Giêsu là Chúa của đồng lúa chín vàng. Ngài cũng là chủ của những người thợ gặt. Bởi đó Ngài mới có quyền sai thợ ra gặt lúa. Chúng ta cần cầu xin Chúa Giêsu sai thêm nhiều thợ gặt vì đồng lúa chín rộng mênh mông. Ơn gọi bắt nguồn từ Chúa. Nếu Ngài không sai phái, sẽ chẳng có ai đi. Ơn gọi tác động nơi lòng người và thúc đẩy con người đáp lại.
5. Khi vào bất cứ nhà nào (Lc 10,5-7) hay bất cứ thành nào (Lc 10,8-12) đón nhận mình, người môn đệ nên chấp nhận ăn uống những gì người ta dọn cho (Lc 10,7.8), chấp nhận cách tiếp đón của họ, và cùng chia sẻ bữa ăn thân tình với họ. Người đi rao giảng bằng lòng với những gì được cung cấp, và đón nhận mọi sự giống như một người thợ làm việc vất vả được chủ trả lương. Đối với thành mà họ bị từ chối, Đức Giêsu mời các môn đệ ra chỗ công khai, nơi quảng trường của thành, mà phủi bụi chân lại (Lc 10,11). Cử chỉ này có thể mang ý nghĩa là: chúng tôi không dính dáng đến số phận của thành này nữa, họ phải chịu trách nhiệm về thái độ từ chối của họ. Chính Chúa sẽ xét xử họ vào ngày sau hết (Lc 10,11-12).
6. Các môn đệ trở về, vui mừng và ngỡ ngàng, vì họ đã trừ được ma quỷ “nhân danh Chúa Giêsu” (Lc 10,17). Trong sách Công vụ, Phêrô sau này đã làm dấu lạ nhân danh Đức Giêsu để chữa cho anh què ngồi ăn xin nơi Đền thờ (Cv 3,6; 4,10).
7. Khi nghe các môn đệ báo về việc họ có khả năng bắt quỷ phải khuất phục, Đức Giêsu đã nói cho họ nghe về điều mình “thấy”, đó là việc Xa-tan từ trời sa xuống như một tia chớp (Lc 10,18). Đây là hình ảnh về sự thất bại sụp đổ của Xa-tan. Sự thất bại này đã bắt đầu diễn ra qua việc các môn đệ nhân danh Chúa Giêsu khuất phục được ma quỷ. Nhưng sự sụp đổ hoàn toàn nước của Xa-tan chỉ xảy ra vào ngày tận thế, khi Nước Thiên Chúa toàn thắng trên nước Xa-tan. Nước Thiên Chúa đã đến khi Đức Giêsu dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ (x. Lc 11,20). Nhưng Nước Thiên Chúa chỉ đến trọn vẹn vào ngày Chúa Giêsu quang lâm.
8. Các đoạn Lc 10,19; Mc 16,18; Cv 28,3-5; Rm 16,20 đều cho thấy Thiên Chúa bảo vệ các môn đệ trước những hiểm nguy tự nhiên cũng như quyền lực của Kẻ Thù là ma quỷ, khi họ đi sứ vụ. Chẳng những thế, họ còn có thể chà đạp lên chúng dưới chân. Nhờ đó việc loan báo Tin Mừng được thành tựu.
9. Những người được ghi tên trên trời hay được ghi tên trong sổ trường sinh (Xh 32,32-33; Đn 12,1; Tv 69,29; Kh 3,5; Pl 4,3) là những người được Thiên Chúa cứu thoát. Đức Giêsu nhắc các môn đệ đừng vui hay tự hào vì thấy mình khuất phục được quỷ dữ. Họ nên vui vì được Chúa liệt vào số những người được ban ơn cứu độ.
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.