Tài liệu do Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin soạn thảo tháng 6 năm 2019
DẪN VÀO 1. “Hỡi Kitô hữu, hãy ý thức phẩm giá của bạn” I. HIỆN TRẠNG ĐỜI SỐNG THỜ PHƯỢNG 2. Sự phong phú của đời sống thờ phượng 3. Những thực hành không xứng hợp II. NHỮNG HƯỚNG DẪN CỦA HỘI THÁNH 4. Nhân đức thờ phượng Kitô giáo 5. Những nguyên lý của việc đạo đức bình dân 6. Những nguyên lý của việc cầu nguyện xin ơn chữa lành III. TIÊU CHUẨN PHÂN ĐỊNH MỤC VỤ 7. Việc đạo đức bình dân 8. Việc cầu nguyện xin ơn chữa lành KẾT LUẬN 9. Tính nhân văn của nhân đức thờ phượng Kitô giáo
|
DẪN VÀO
1. “Hỡi Kitô hữu, hãy ý thức phẩm giá của bạn”[1]
Phẩm giá của người Kitô hữu đạt đến viên mãn nhờ nhận biết, yêu mến và thờ phượng một Thiên Chúa Ba Ngôi, duy nhất và chân thật, để được hiệp thông với Ngài trong sự sống thần linh. Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người[2], đã sống trọn vẹn lòng hiếu thảo với Chúa Cha[3], đã nên đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng[4], và đã dạy cho nhân loại biết “thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật”[5]. Chính Ngài là mẫu gương sống nhân đức thờ phượng hoàn hảo cho mọi tín hữu.
Nhờ Bí tích Rửa tội, người tín hữu được tháp nhập vào Đức Kitô[6], để “nhờ Người, với Người và trong Người” mới có thể sống trọn vẹn nhân đức thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong bối cảnh đa văn hoá và tôn giáo tại Việt Nam hiện nay, với nhiều thực hành tâm linh phức tạp, không phải lúc nào người Kitô hữu cũng dễ dàng phân định rõ ràng đâu là những hành động thờ phượng chân thật của mình.
Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam soạn thảo tài liệu này gửi đến mọi tín hữu Việt Nam, để đồng hành với anh chị em trong đời sống đức tin hằng ngày, và giúp anh chị em sống tình con thảo đối với Thiên Chúa và tình mến đối với nhau.
I. HIỆN TRẠNG ĐỜI SỐNG THỜ PHƯỢNG
2. Sự phong phú của đời sống thờ phượng
Quan sát đời sống đức tin của người tín hữu Việt Nam hiện nay, chúng tôi vui mừng nhận ra tâm tình thờ phượng sâu thẳm của anh chị em, biểu hiện qua những thực hành bên ngoài rất đa dạng và phong phú.
– Trước tiên là việc tham dự tích cực vào đời sống Phụng vụ của Hội Thánh. Trong suốt Năm Phụng vụ, anh chị em luôn tham dự sống động những cử hành Phụng vụ của Hội Thánh, đặc biệt là Tam Nhật Thánh, các ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng và Bí tích Hoà giải. Anh chị em cũng sốt sắng tham dự Phụng vụ Các giờ kinh được cử hành nhiều nơi, trong các nhà thờ và nhà nguyện, tại các buổi hội họp cộng đoàn, tuy chưa phổ thông. Các cử hành Phụng vụ khác cũng được anh chị em quý chuộng, như các nghi thức thánh hiến người, cung hiến nơi thờ phượng và làm phép các đồ vật sử dụng vào việc thờ tự…
– Kế đến là những biểu hiện lòng sùng kính Đức Maria. Đức Maria chiếm vị trí đặc biệt nhất trong tình cảm tôn giáo của người Công giáo Việt Nam, cả trong đời sống cá nhân lẫn cộng đoàn. Rất dễ nhận ra những việc tôn vinh Mẹ Maria gắn liền với các thánh lễ theo lịch Phụng vụ chung của Hội Thánh, hoặc riêng của mỗi giáo phận và dòng tu, cũng như những thực hành đạo đức bình dân khác nhau tuỳ mỗi địa phương. Chúng ta có thể kể ra một số thực hành tiêu biểu như: các ngày lễ kính Đức Mẹ, các ngày thứ Bảy hằng tuần, tuần tam nhật, thất nhật và cửu nhật, tháng Năm và tháng Mười, các Kinh Truyền tin, Lạy Nữ Vương thiên đàng, Mân côi, các Kinh cầu Đức Mẹ, các Kinh tận hiến cho Đức Mẹ, áo và ảnh tượng Đức Mẹ, thánh ca và hội hoạ, các trung tâm hành hương và các cuộc hành hương…
– Tiếp đến là những biểu hiện lòng tôn kính các Thiên thần, các Thánh và các Chân phước. Tuỳ tâm tình yêu mến các Thánh và vị Thánh bổn mạng riêng của mỗi cá nhân, cộng đoàn, giáo xứ và giáo phận, các thánh tích, đền thánh, nơi thánh, vật thánh được tôn kính khắp nơi. Đặc biệt, Thánh cả Giuse và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm tình tôn kính của người tín hữu Việt Nam.
– Sau cùng là việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Ngoài tháng Mười Một và ngày Mùng Hai Tết cầu nguyện đặc biệt cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người thân đã qua đời, ngườiCông giáo Việt Nam luôn nhớ đến, viếng mộ hoặc tro cốt, cầu nguyện và thường xuyên xin lễ cho người thân đã qua đời, nhất là những ngày lễ giỗ, như cách thể hiện lòng hiếu thảo.
3. Những thực hành không xứng hợp
Vui mừng vì đời sống thờ phượng phong phú của người tín hữu, nhưng chúng tôi nhận thấy vẫn còn tồn tại những thực hành không xứng hợp hoặc lệch lạc, cụ thể như sau:
– Việc thờ ngẫu tượng, được nhận biết qua những nghi thức có tính ma thuật, dị đoan, bói toán, phù phép, thông linh, gọi hồn, trù ếm hay có hàm ý về tính dục, là những hành vi sùng bái bản thân mình hoặc các loài thụ tạo khác.
– Việc khai thác các mặc khải tư không hoặc chưa được thẩm quyền Hội Thánh chuẩn nhận, nhất là những mặc khải tư liên quan đến Đức Maria, được biểu hiện qua các hành động tuyên truyền, phổ biến, tổ chức các hình thức thờ tự lệch lạc và lôi kéo các tín hữu khác cùng thực hành…
– Việc thực hành những hình thức thờ phượng không thuộc về lòng đạo đức chân thật của Hội Thánh, không xây dựng sự hiệp thông trong Hội Thánh, được biểu hiện nơi những phong trào sai lạc, như Sứ điệp từ trời, Lòng Mẹ thương xót…
– Việc lạm dụng những hình thức thờ phượng của Hội Thánh, như Lòng Chúa Thương Xót,đặc sủng chữa lành bệnh tật, việc đặt tay cầu nguyện trên bệnh nhân, các thánh tích, các nơi thánh, các cuộc hành hương, làm sai lạc bản chất của việc thờ phượng Kitô giáo là phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
Từ cái nhìn tổng quát về đời sống thờ phượng, với nét phong phú xen lẫn những thực hành không xứng hợp, chúng tôi muốn mời gọi anh chị em cùng lắng nghe giáo huấn của Hội Thánh về nhân đức thờ phượng Kitô giáo.
II. NHỮNG HƯỚNG DẪN CỦA HỘI THÁNH
4. Nhân đức thờ phượng Kitô giáo[7]
Thờ phượng Kitô giáo là nhân đức nhờ đó con người, phận thụ tạo, dâng lên Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, sự nhìn nhận, tôn vinh và suy phục uy quyền của Ngài, bằng tất cả lòng khiêm cung, yêu mến và biết ơn, hợp với lẽ công bằng[8].
Phát xuất từ sự vâng phục điều răn mến Chúa, việc thờ phượng chân thật trước hết quy hướng về vinh quang Thiên Chúa và hiệp thông với Ngài. Từ đó, việc thờ phượng dẫn đến điều răn yêu người, nghĩa là thánh hoá người tín hữu và giúp họ sống đúng phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa.
Vì là hoạt động của con người toàn vẹn, gồm xác và hồn, nên việc thờ phượng Kitô giáo, được thể hiện ra bên ngoài bằng các lễ nghi, phải tương hợp với tâm tình chân thật bên trong tâm hồn. Các việc thờ phượng Kitô giáo chính yếu, như Thờ lạy, Cầu nguyện, Lễ tế và Khấn hứa[9], được diễn tả qua hai hình thức cụ thể là Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân.
Phụng vụ là việc cử hành công trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa Ba Ngôi, được thực hiện trong lịch sử cứu độ, mà chóp đỉnh là Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Phụng vụ cũng là việc cử hành công trình tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi của Hội Thánh, Dân Thiên Chúa, để hiện tại hoá công trình cứu chuộc của Đức Kitô, đến tận cùng thời gian[10].
Là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh, Phụng vụ được cử hành nhằm mục đích tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, xây dựng Hội Thánh và thánh hoá con người[11]. Vì thế, “Phụng vụ tuyệt đối không thể đón nhận những nghi thức ma thuật, dị đoan, thông linh, trù ếm hay có hàm ý tính dục”[12].
Vì là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh, Phụng vụ phải được các thừa tác viên hợp pháp cử hành nhân danh Hội Thánh, và theo đúng nghi thức của Hội Thánh. Các cử hành Phụng vụ chính yếu của Hội Thánh là Bảy Bí tích, Phụng vụ Các giờ kinh và các Á bí tích[13].
Lòng đạo đức bình dân là cảm thức đức tin của dân Kitô giáo, được Chúa Thánh Thần soi dẫn, biểu hiện qua các việc thờ phượng cá nhân và cộng đoàn rất đa dạng, không là thành phần củaPhụng vụ, nhưng vay mượn những sắc thái tinh hoa đặc thù của các nền văn hoá khác nhau[14].
Dù phân biệt với Phụng vụ, lòng đạo đức bình dân chân thật vẫn là việc thờ phượng của dân Kitô giáo, là biểu hiện lòng đạo đức của Hội Thánh, và vì thế cũng nhằm mục đích tôn vinh Thiên Chúa, xây dựng Hội Thánh và thánh hoá con người[15].
Những biểu hiện thực hành đạo đức bình dân của Hội Thánh được phân biệt theo chu kỳ Năm Phụng vụ, những việc sùng kính Đức Maria, những việc tôn kính các Thiên thần, các Thánh và các Chân phước, việc cầu nguyện cho những người đã qua đời; các đền thánh và các cuộc hành hương[16]…
Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân vừa phân biệt vừa có mối tương quan chặt chẽ. Một mặt, vì là chóp đỉnh cho mọi thực hành đạo đức bình dân quy hướng về, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực cho lòng đạo đức bình dân, nên Phụng vụ có vị trí ưu tiên và trổi vượt tuyệt đối. Mặt khác, lòng đạo đức bình dân phải hoà hợp với Phụng vụ, được khơi nguồn từ Phụng vụ và dẫn người tín hữu đến với Phụng vụ[17].
Mọi cử hành Phụng vụ đều phải theo đúng nghi thức của Hội Thánh. Riêng các việc đạo đức bình dân lại rất đa dạng về mô hình và kiểu thức biểu tỏ. Dù một số lớn những hình thức thờ phượng bình dân đã được Hội Thánh minh nhiên chuẩn nhận và khuyến khích, người tín hữu vẫn có thể tự do lựa chọn những thực hành đạo đức bình dân phù hợp cho cá nhân, gia đình hay cộng đoàn.
Việc người tín hữu được tự do lựa chọn mô hình và kiểu thức biểu tỏ lòng đạo đức bình dân có thể dẫn đến những thực hành thờ phượng lệch lạc hoặc những lạm dụng. Vì thế, Tài liệu nàymuốn tập trung vào việc thực hành lòng đạo đức bình dân, để khuyến khích những gì tốt lành và điều chỉnh những lệch lạc có thể có trong đời sống thờ phượng của người tín hữu Việt Nam.
5. Những nguyên lý của lòng đạo đức bình dân
Để trở nên việc thờ phượng Kitô giáo và biểu hiện lòng đạo đức của Hội Thánh, lòng đạo đức bình dân cần phải quy chiếu về những nguyên lý đức tin vững chắc sau đây:
– Thiên Chúa Ba Ngôi. Là việc thờ phượng Kitô giáo, lòng đạo đức bình dân phải hướng đến mục đích tối hậu là giúp người tín hữu được “hiệp thông với Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần”[18].
– Hội Thánh, cộng đoàn thờ phượng. Theo ý định của Đức Kitô, Hội Thánh, hiểu như “Dân thánh được quy tụ trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, là một cộng đoàn thờ phượng chân thật[19].
– Chức tư tế chung. Nhờ các bí tích khai tâm Kitô giáo, người tín hữu trở nên chi thể của Hội Thánh, Dân tư tế và Thân mình Đức Kitô, và được kêu gọi làm cho toàn bộ cuộc đời mình trở thành “hy lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”[20].
– Lời Chúa. Lời Chúa, được Kinh Thánh cưu mang, được Hội Thánh gìn giữ, được Phụng vụ cử hành, là yếu tố ưu tiên và không thể thay thế, để Chúa Thánh Thần tác động trong đời sống thờ phượng của người tín hữu[21].
– Các mặc khải tư. Lòng đạo đức bình dân thường quan tâm đến các mặc khải tư, nhất là các mặc khải liên quan đến lòng sùng kính Đức Maria. Các mặc khải tư, khi được thẩm quyền Hội Thánh chuẩn nhận, chỉ có giá trị giúp hiểu và sống mặc khải trọn vẹn và vĩnh viễn của Đức Kitô ở một thời điểm lịch sử nào đó, nhưng không cải thiện, bổ sung, vượt hơn hay sửa đổi mặc khải trọn vẹn và vĩnh viễn của Đức Kitô[22].
– Hội nhập văn hoá. Lòng đạo đức bình dân được nhìn nhận là hình thức đầu tiên và căn bản cho việc “hội nhập văn hoá” của đức tin[23].
6. Những nguyên lý của việc cầu nguyện xin ơn chữa lành[24]
Vì những thực hành cầu nguyện xin ơn chữa lành cho các bệnh nhân ngày càng phổ biến giữa những tín hữu công giáo Việt Nam, nên việc đạo đức này đáng được lưu tâm cách đặc biệt.
– Ý nghĩa của bệnh tật và sự chữa lành được hiểu trong mầu nhiệm cứu độ. Người Kitô hữu được mời gọi đạt đến sự sống vĩnh phúc, nhưng thực tế luôn cảm nghiệm được những khổ đau trong cuộc đời, đặc biệt là bệnh tật. Dù giải thích dưới góc độ nào, bệnh tật vẫn luôn là một sự dữ. Vì thế, việc chữa lành bệnh tật cho con người cũng thuộc về sứ vụ cứu độ của Đấng Mêsia.
Thật vậy, việc chữa lành các bệnh tật vừa là dấu chỉ sứ vụ giải thoát con người khỏi mọi sự dữ của Đấng Mêsia, vừa biểu lộ chiến thắng của vương quyền Thiên Chúa trên mọi sự dữ, vừa là biểu tượng của sự chữa lành con người toàn diện và triệt để hơn, gồm thân xác và linh hồn.
Tuy nhiên, chiến thắng của Đấng Mêsia trên bệnh tật và mọi đau khổ của nhân loại không chỉ diễn ra bằng những phép lạ chữa lành, nhưng nhất là bằng chính sự đau khổ tự nguyện trong cuộc thương khó của Ngài. Trong mầu nhiệm Vượt qua, Đức Kitô, Đấng vô tội, đã mang vào thân mình mọi đau khổ, tội lỗi và sự chết của nhân loại, đã vượt qua và đạt đến chiến thắng chung cuộc trong sự Phục sinh của Ngài.
Nhờ mầu nhiệm Vượt qua, Đức Kitô đã mang đến cho bệnh tật và đau khổ một giá trị cứu độ: mọi người đều có thể hiệp thông vào sự đau khổ sinh ơn cứu độ của Ngài bằng chính những bệnh tật và đau khổ của riêng bản thân mình, theo gương thánh Phaolô.
– Ước muốn được chữa lành và việc xin ơn được chữa lành của người tín hữu là một điều tốt lành và đậm tính nhân văn, nhất là khi ước muốn ấy được diễn đạt bằng lời cầu nguyện tin tưởng dâng lên Thiên Chúa.
Vì thế, Hội Thánh, qua Phụng vụ, luôn cầu xin Thiên Chúa ban sức khoẻ cho các bệnh nhân, đặc biệt qua Bí tích Xức dầu Bệnh nhân, Thánh lễ cầu cho bệnh nhân và các kinh nguyện khác nhau cầu cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, Hội Thánh không loại trừ các phương tiện tự nhiên và phương pháp y học hữu hiệu để gìn giữ và phục hồi sức khoẻ thể xác cũng như tinh thần cho bệnh nhân; khuyến khích bệnh nhân mang lấy tầm nhìn đức tin về bệnh tật và đau khổ.
– Đặc sủng chữa lành bệnh tật luôn hiện diện trong Hội Thánh. Vì các phép lạ chữa lành bệnh tật thuộc về sứ vụ của Đấng Mêsia, nên Đức Kitô đã ban năng lực chữa lành mọi bệnh tật cho các Tông đồ và những người rao giảng Tin Mừng trong Hội Thánh tiên khởi, để tiếp nối sứ vụ của Ngài trong thế giới. Các đặc sủng chữa lành được trao ban cho các ngài không phải vì vinh quang của các cá nhân, nhưng để xác nhận và củng cố sứ vụ của các ngài là rao giảng Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô.
Cũng từ thời các Tông đồ, ngoài những phép lạ chữa lành, Bí tích Xức dầu Bệnh nhân đã được cử hành. Hội Thánh, qua các thừa tác viên của mình, đã xức dầu và cầu nguyện trên các bệnh nhân, để khấn xin ơn giải thoát cho họ, bao gồm cả việc chữa lành bệnh tật thể xác.
Tiếp nối truyền thống, từ thời các giáo phụ cho đến nay, Hội Thánh luôn thực hành việc cầu nguyện xin ơn giải thoát cho các bệnh nhân, cả linh hồn lẫn thể xác, qua Bí tích Xức dầu Bệnh nhân và các cử hành Phụng vụ khác. Và lịch sử Hội Thánh không thiếu những vị thánh có năng lực chữa lành bệnh tật cách lạ lùng.
Ngày nay, trong lòng Hội Thánh có những buổi tụ họp cầu nguyện được tổ chức nhằm mục đích xin ơn chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, cần phân biệt những buổi cầu nguyện Phụng vụ xin ơn chữa lành với những buổi cầu nguyện có liên quan đến đặc sủng chữa lành, thật sự hoặc chỉ là hình thức bên ngoài.
Những buổi cầu nguyện Phụng vụ xin ơn chữa lành phải được cử hành đúng theo nghi thức đã được ấn định trong các sách Nghi thức Phụng vụ, và đúng theo các quy luật Phụng vụ. Nếu không tuân theo các quy luật Phụng vụ, các buổi cầu nguyện sẽ không hợp pháp.
Đối với những buổi cầu nguyện có liên quan đến đặc sủng chữa lành, yếu tố quyết định được đòi buộc là tính hiệu quả của lời cầu nguyện, nhờ sự can thiệp của một hoặc nhiều người, hoặc một nhóm người rõ ràng, thí dụ những người hướng dẫn buổi cầu nguyện.
Những buổi cầu nguyện Phụng vụ khác như việc Chầu Thánh Thể với phép lành, hoặc những thực hành đạo đức bình dân khác như việc lần chuỗi Mân côi, tại các đền thánh hoặc các trung tâm hành hương, không trực tiếp nhắm đến, nhưng bao gồm ý nguyện xin ơn chữa lành, đều hợp pháp, với điều kiện không bóp méo ý nghĩa chính yếu của những việc đạo đức được cử hành.
III. TIÊU CHUẨN PHÂN ĐỊNH MỤC VỤ
7. Việc đạo đức bình dân nói chung
Từ những nguyên lý của lòng đạo đức bình dân nêu trên, chúng ta có thể rút ra những tiêu chuẩn cần thiết cho việc phân định thực hành, qua các chiều kích sau:
a. Từ phía những việc đạo đức bình dân
– Chiều kích Ba Ngôi. Mọi thực hành đạo đức bình dân đều phải bày tỏ tình con thảo đối với Chúa Cha, theo mẫu gương hiếu thảo duy nhất hoàn hảo là Đức Kitô, nhờ mặc lấy tinh thần nghĩa tử trong Chúa Thánh Thần[25]. Thiếu vắng chiều kích Ba Ngôi, lòng đạo đức bình dân có nguy cơ biến thành việc mê tín, thờ ngẫu tượng, thử thách Thiên Chúa, phạm thánh, mại thánh, thờ chính ảnh tượng, phủ nhận Thiên Chúa[26]…
– Chiều kích Hội Thánh. Mọi việc đạo đức bình dân phải biểu hiện lòng đạo đức của Hội Thánh, được thực hành bởi các tín hữu đang sống hiệp thông với Hội Thánh, tuyên xưng đức tin của Hội Thánh, tôn trọng các quy định về phượng tự và quyền bính mục vụ của Hội Thánh[27]. Những thực hành đạo đức bình dân liên quan đến mặc khải tư, đặc biệt trong việc sùng kính Đức Maria, đều phải đón nhận thẩm quyền phân định của Hội Thánh[28].
– Chiều kích Phụng vụ. Phụng vụ của Hội Thánh “phải luôn luôn xuất hiện như ‘thể thức gương mẫu’, một nguồn cảm hứng, điểm tham chiếu thường xuyên và mục đích tối hậu”[29].
– Chiều kích đại kết. Lòng đạo đức bình dân cũng phải lưu tâm đến khía cạnh đại kết của Hội Thánh, nghĩa là “chú ý đến những điều nhạy cảm và những truyền thống Kitô giáo khác nhau, đồng thời tránh thực hành những thử nghiệm không phù hợp”[30].
– Chiều kích tư tế chung. Mọi tín hữu đều được khuyến khích thực hành lòng đạo đức bình dân, như dấu chỉ kiên trì thờ phượng và cầu nguyện, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để tôn vinh Chúa Cha và làm chứng cho Chúa Kitô trong đời sống hằng ngày[31].
– Chiều kích Kinh Thánh. Mọi thực hành đạo đức bình dân phải quy chiếu về Lời Chúa và tìm thấy trong Lời Chúa, đặc biệt theo khuôn mẫu Phụng vụ, nguồn cảm hứng vô tận, khuôn mẫu cầu nguyện tuyệt hảo, những chủ đề phong phú và chuẩn mực cho việc thờ phượng chân thật[32].
– Chiều kích nhân văn và hội nhập văn hoá. Các thực hành đạo đức bình dân một mặt phải gìn giữ căn tính thờ phượng Kitô giáo, mặt khác phải phân định nguồn gốc và ý nghĩa của các tập tục và truyền thống văn hoá riêng biệt, ngôn ngữ, cử điệu, thánh nhạc, ảnh tượng, để chúng biểu lộ chân lý đức tin, và tránh được những thực hành nghịch với các mầu nhiệm Kitô giáo, hay những biểu hiện lai tạp làm hoen ố việc thờ phượng Kitô giáo[33].
b. Từ phía đấng bản quyền sở tại
– Thẩm định và phê chuẩn những kinh nguyện công khai; công bố những quy định liên quan đến việc thực hành lòng đạo đức bình dân cho tín hữu trong lãnh thổ dưới quyền tài phán của mình[34].
– Lưu tâm hướng dẫn để những thực hành lòng đạo đức bình dân không thay thế hay lẫn lộn với những cử hành Phụng vụ của Hội Thánh[35].
– Cổ võ và thăng tiến lòng đạo đức bình dân chân chính, thanh luyện những biểu hiện lệch lạc, và không ngừng Tin Mừng hoá những thực hành đạo đức bình dân của các tín hữu trong lãnh thổ của mình[36].
c. Từ phía người tín hữu tham dự
– Cần ý thức rõ lòng đạo đức bình dân là việc thờ phượng Kitô giáo, mà bản chất là tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, xây dựng Hội Thánh và thánh hoá con người, để tránh những thực hành mê tín, thờ ngẫu tượng, thử thách Thiên Chúa, phạm thánh, mại thánh, thờ chính ảnh tượng, phủ nhận Thiên Chúa…
– Cần ý thức rõ sự khác biệt giữa Phụng vụ và các việc đạo đức bình dân, cũng như tính ưu tiên và trổi vượt tuyệt đối của Phụng vụ so với các việc đạo đức bình dân: “nếu các Bí tích là không thể thiếu được để sống hiệp nhất với Chúa Kitô, thì ngược lại, những hình thức khác nhau của lòng đạo đức bình dân lại mang tính chất tuỳ nghi”[37]. Chẳng hạn, tham dự Thánh lễ Chúa nhật và các ngày lễ buộc trong Năm Phụng vụ, đặc biệt là Tam Nhật Thánh, là bó buộc; còn những thực hành đạo đức bình dân chân thật, dù được khuyến khích, nhưng không mang tính bó buộc.
– Mọi biểu hiện bên ngoài của lòng đạo đức bình dân, như việc chạm vào ảnh tượng, nơi thánh, thánh tích, việc hành hương hay rước kiệu, việc dâng của lễ, nến hay bảng tạ ơn, việc mang y phục đặc biệt, ảnh tượng hay phù hiệu, việc quỳ gối hay sấp mình… đều phải phản chiếu trung thực những tình cảm thờ phượng chân thật trong tâm hồn. Thiếu chiều kích nội tâm, những cử chỉ bên ngoài có nguy cơ biến thành những thói quen trống rỗng, hoặc mang màu sắc dị đoan[38].
– Mọi biểu hiện lòng sùng kính Đức Maria phải quy hướng về bản chất của việc thờ phượng Kitô giáo, với các chiều kích Ba Ngôi, Kinh Thánh, Hội Thánh, Phụng vụ, Đại kết, Nhân văn và Hội nhập Văn hoá[39].
– Các Kinh nguyện hay Lời nguyện đạo đức được sử dụng thường xuyên và công khai trong các việc đạo đức bình dân, cần phải được Bản quyền chuẩn nhận[40].
– Mọi tín hữu đều phải tránh việc đề nghị và phổ biến các Kinh nguyện, Lời nguyện và các sáng kiến nào chưa được sự chuẩn nhận của Bản quyền địa phương[41].
8. Việc cầu nguyện xin ơn chữa lành[42]
Từ những nguyên lý của việc cầu nguyện xin ơn chữa lành, chúng ta có thể rút ra những tiêu chuẩn cần thiết cho việc phân định thực hành.
a. Từ phía những buổi cầu nguyện
– Các Kinh nguyện xin ơn chữa lành có trong các sách Phụng vụ được thẩm quyền Hội Thánh chuẩn nhận thì được xem là Kinh nguyện Phụng vụ. Các Kinh nguyện không được chuẩn nhận thì không phải là Kinh nguyện Phụng vụ.
– Các Kinh nguyện Phụng vụ xin ơn chữa lành phải được cử hành theo đúng nghi thức, với phẩm phục thánh được chỉ định trong Ordo benedictionis infirmorum của Sách Nghi Thức Rôma.
– Việc thực hành các kinh nguyện xin ơn chữa lành không thuộc về Phụng vụ phải phân biệt rõ ràng với những cử hành Phụng vụ, không được lẫn lộn với các cử hành Phụng vụ, và phải tránh các hình thức mang tính cuồng loạn, giả tạo, diễn kịch hoặc kích động cảm xúc.
– Trừ những nghi lễ dành cho bệnh nhân được các sách Phụng vụ ấn định rõ ràng, cả các Kinh nguyện Phụng vụ lẫn các Kinh nguyện không thuộc về Phụng vụ nhằm mục đích xin ơn chữa lành, đều không được phép đưa vào trong cử hành Thánh Thể, các Bí tích và Phụng vụ Các giờ kinh, cũng không thể là thành phần của các cử hành Phụng vụ này. Chỉ có thể đưa ý nguyện xin ơn chữa lành vào Lời nguyện chung trong Thánh lễ.
– Thừa tác vụ trừ quỷ phải được thực hành trong sự tuỳ thuộc chặt chẽ vào Giám mục giáo phận, theo Giáo luật, hướng dẫn của Bộ Giáo lý Đức tin và Sách Nghi Thức Rôma. Các kinh nguyện trừ quỷ trong Sách Nghi Thức Rôma phải được phân biệt rõ ràng với những cử hành xin ơn chữa lành, Phụng vụ và không thuộc về Phụng vụ.
b. Từ phía đấng bản quyền sở tại
– Trong giáo phận của mình, Giám mục giáo phận có quyền ban hành các quy luật cho những cử hành Phụng vụ xin ơn chữa lành, cũng như có quyền từ chối những cử hành này vì những lý do chính đáng; mọi cử hành Phụng vụ xin ơn chữa lành đều phải có phép rõ ràng của giám mục giáo phận.
– Đấng bản quyền địa phương có trách nhiệm giám sát việc thực hành các Kinh nguyện xin ơn chữa lành không thuộc về Phụng vụ.
– Việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là video và trực tuyến, trong các cử hành Phụng vụ xin ơn chữa lành, hoặc các buổi cầu nguyện xin ơn chữa lành không thuộc về Phụng vụ, phải được giám sát bởi giám mục giáo phận.
– Với thẩm quyền của mình, Giám mục giáo phận cần phải can thiệp khi có những lạm dụng gây tai tiếng cho cộng đoàn tín hữu trong các cử hành xin ơn chữa lành, cả Phụng vụ lẫn không thuộc về Phụng vụ, hoặc khi có những sai sót nghiêm trọng những quy tắc Phụng vụ và kỷ luật.
c. Từ phía người tín hữu tham dự
– Mọi tín hữu đều được tự do cầu nguyện xin ơn chữa lành; khi việc cầu nguyện cộng đồng diễn ra trong nhà thờ hoặc một nơi thánh thiêng, thì cần được các thừa tác viên có chức thánh hướng dẫn.
– Những người hướng dẫn các cử hành xin ơn chữa lành, Phụng vụ hoặc không thuộc về Phụng vụ, phải cố gắng duy trì bầu khí sùng kính chân thành cho cộng đoàn, phải giữ sự thận trọng cần thiết nếu ơn được chữa lành xảy ra cho người tham dự, phải đón tiếp cách ân cần và đơn giản sau buổi cử hành những chứng từ có thể xảy ra và phải tường trình sự việc cho thẩm quyền Hội Thánh.
KẾT LUẬN
9. Tính nhân văn của nhân đức thờ phượng Kitô giáo[43]
Nhân đức thờ phượng Kitô giáo, được biểu tỏ qua Phụng vụ và các việc đạo đức bình dân, hướng đến mục đích tối hậu là tôn vinh Thiên Chúa, xây dựng Hội Thánh và thánh hoá con người. Vì thế, các việc thờ phượng thể hiện cách sống động điều cốt yếu nhất của đức tin Kitô giáo là lòngmến Chúa và yêu người.
Đặc biệt, vì thấm nhập vào mọi thực tại của đời sống người tín hữu và đáp ứng được những khát vọng thẳm sâu của nhân sinh, các việc đạo đức bình dân phản chiếu tuyệt vời sự khôn ngoan Kitô giáo. Sự khôn ngoan ấy được biểu hiện qua sự kết hợp hài hoà trong cùng một hành động thờ phượng những gì thuộc về Thiên Chúa và những gì thuộc về con người: Đức Kitô và Mẹ Maria, siêu nhiên và tự nhiên, tinh thần và thể xác, hiệp thông và định chế, cá nhân và cộng đoàn, đức tin và quê hương, lý trí và tình cảm.
Như thế, các việc đạo đức bình dân biểu tỏ tuyệt vời tính nhân văn Kitô giáo, vì các thực hành ấy dạy người tín hữu biết tôn trọng phẩm giá của mọi người với tư cách là những người con của cùng một Cha trên trời, biết xây đắp tình huynh đệ giữa đồng bào và đồng loại, biết gặp gỡ thiên nhiên và tìm ra ý nghĩa của lao động, biết tìm thấy động lực để sống an vui, ngay cả trong những hoàn cảnh khổ nhọc của cuộc sống. Tính nhân văn Kitô giáo cũng là chuẩn mực giúp mọi tín hữu có khả năng phân định đâu là những thực hành tâm linh trống rỗng, bóp nghẹt các giá trị Tin Mừng, hoặc nhắm đến những mục đích trần tục, và đâu là những việc thờ phượng chân thật làm lan toả hương thơm Tin Mừng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh – Sacrosanctum concilium, ngày 4 tháng 12 năm 1963.
– SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, bản dịch của UBGLĐT/HĐGMVN, Nxb. Tôn Giáo, 2010.
– BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Hướng dẫn về việc cầu nguyện xin ơn chữa lành, ngày 14 tháng 9 năm 2000.
– BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Thư Giáo hội tươi trẻ (Iuvenescit Ecclesia) gửi các Giám mục thuộc Giáo hội Công giáo về mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng đối với đời sống và sứ mạng của Giáo hội, ngày 15 tháng 5 năm 2016.
– BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ, tháng 12 năm 2001.
[1] GLHTCG, số 1691.
[2] X. Ga 1, 1-18.
[3] X. Dt 5, 7-10.
[4] X. Mt 3, 17.
[5] Ga 4, 23.
[6] X. Rm 6, 5.
[7] X. GLHTCG, các số 2083-2141.
[8] X. GLHTCG, số 2095.
[9] X. GLHTCG, số 2135.
[10] X. GLHTCG, các số 1066-1075.
[11] X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum concilium, bản dịch của Uỷ ban Giáo lý Đức tin / HĐGMVN, NXB. Tôn Giáo, 2012, số 7 và 59.
[12] BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 12.
[13] X. BỘ GIÁO LUẬT 1983, “Quyển IV – Nhiệm vụ thánh hoá của Giáo hội”, Điều 834-1253, bản dịch của HĐGMVN, NXB. Tôn Giáo, 2007, tr. 275-381.
[14] X. GLHTCG, các số 1674-1679; BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 9, 78 và 83; ĐTC PHANXICÔ, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng – Evangelii gaudium, bản dịch của Uỷ ban Loan báo Tin Mừng / HĐGMVN, 2013, các số 123-126.
[15] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 72; 83-84.
[16] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ.
[17] X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum concilium, số 7, 10 và 13, bản dịch của Uỷ ban Giáo lý Đức tin / HĐGMVN, NXB. Tôn Giáo, 2012; X. GLHTCG, số 1675.
[18] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 76-80.
[19] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 81-84.
[20] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 85-86.
[21] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 87-89.
[22] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 90; X. GLHTCG, các số 65-67.
[23] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, các số 91-92.
[24] X. BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Hướng dẫn về việc cầu nguyện xin ơn chữa lành, ngày 14 tháng 9 năm 2000.
[25] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 76-80.
[26] X. GLHTCG, các số 2110-2141.
[27] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, các số 81-84; 184.
[28] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 90; X. GLHTCG, các số 65-67.
[29] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 184.
[30] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 12.
[31] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, các số 85-86.
[32] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, các số 87-89.
[33] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 12; 91-92.
[34] X. GLHTCG, số 1676; X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 21.
[35] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 21.
[36] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 21.
[37] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 11.
[38] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 15.
[39] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 186.
[40] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 16.
[41] X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng, bản dịch của Uỷ ban Văn hoá / HĐGMVN, 2003: Lưu hành nội bộ, số 21.
[42] X. BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Hướng dẫn về việc cầu nguyện xin ơn chữa lành, ngày 14 tháng 9 năm 2000.
[43] X. SGLHTCG, số 1676.
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.