Lc 5,1-11
1. Hãy tưởng tượng những lý do khiến Simon ngần ngại khi Thầy Giêsu bảo ông ra chỗ nước sâu mà thả lưới.
2. Hãy tìm những tên khác của “hồ Ghen-nê-xa-rét.”
3. Simon nói: Dựa vào lời Thầy, con sẽ thả lưới (câu 5). Hãy đọc chương 4 của Tin Mừng Luca và cho biết Simon đã có kinh nghiệm gì về sức mạnh của lời Thầy Giêsu.
4. Tại sao mẻ cá trong bài Phúc âm này là mẻ cá lạ lùng? So sánh chuyện mẻ cá lạ ở Lc 5,1-11 với mẻ cá lạ ở Ga 21,1-11. Bạn hãy liệt kê một số điểm khác nhau giữa đôi bên.
5. Tại sao khi có được mẻ cá lạ, Simon lại kinh ngạc và thấy mình là kẻ tội lỗi? Simon có mâu thuẫn không khi ông sấp mặt dưới chân Chúa Giêsu mà lại nói : Xin Chúa tránh xa con !?
6. Có ai khi được Thiên Chúa kêu gọi mà thấy mình tội lỗi bất xứng không? Đọc Isaia 6,5; Êdêkien 1,28; Xuất hành 3,5-6.
7. Khi Simon nhận mình là tội nhân và xin Chúa tránh xa thì Chúa bảo ông làm gì? Bắt người và bắt cá có khác nhau không? Đọc Lc 5,10.
8. Trong bài Phúc âm này Thầy Giêsu chỉ đưa ra hai mệnh lệnh cho Simon? Theo bạn, mệnh lệnh nào khó hơn?
9. Đọc Lc 5,11.28; 14,33; 18,22. Tìm một điểm chung giữa những đoạn văn trên.
CÂU HỎI SUY NIỆM
Bạn học được gì từ bài Phúc âm hôm nay, từ thái độ của Si-môn, từ mẻ cá lạ đánh bắt được? Điều gì trong bài này đã đánh động trái tim bạn?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Phêrô có chút ngần ngại khi Thầy Giêsu bảo ông ra chỗ nước sâu, xa bờ, mà thả lưới cùng với các bạn của ông. Có những lý do mà ta có thể đoán được: các ông đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì (c. 5), như vậy sẽ ít có hy vọng bắt được cá lúc ban ngày; các ông đã giặt lưới và muốn được nghỉ ngơi sau một đêm mệt mỏi và thất vọng (c. 2). Nếu đi đánh cá lần nữa, các ông sẽ không được nghỉ và lại phải giặt lưới.
2. “Hồ Ghen-nê-xa-rét” (Lc 5,1) còn được gọi bằng những tên khác như “Biển Ga-li-lê” (Mt 4,18), “Biển Ti-bê-ri-át” (Ga 6,1), hay đơn giản chỉ là “Biển” (Mc 2,13; Ga 6,16). Trong Cựu Ước, hồ này được gọi là “Biển Kin-nơ-reth” (Dân số 34,11; Gio-suê 13,27). Thật sự đây chỉ là một hồ nước ngọt khá lớn, trữ nước từ các núi phía bắc đổ xuống.
3. Chương 4 của Tin Mừng Luca cho thấy Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ, trừ quỷ, và giảng dạy tại Ca-phác-na-um, quê của Si-môn (Lc 4, 23.31-32.40-41). Rất có thể Si-môn đã chứng kiến cảnh Đức Giêsu dùng lời nói đầy uy quyền mà trừ quỷ trong hội đường Ca-phác-na-um vào ngày sa-bát (Lc 4,33-36). Chắc chắn Si-môn đã nghe thấy lời Đức Giêsu ngăm đe cơn sốt của bà mẹ vợ ông và chữa cho bà được khỏi (Lc 4,38-39). Nói chung Si-môn đã có kinh nghiệm rất ấn tượng về sức mạnh của Lời Thầy Giêsu, nên ông đã vâng lời Thầy (Lc 5,5).
4. Mẻ cá trong Lc 5,1-11 là mẻ cá lạ lùng vì theo ngư phủ chuyên nghiệp, nó khó xảy ra. Một bài điểm khác nhau giữa Lc 5,1-11 và Ga 21,1-11 : ở Ga, đây là các môn đệ thực thụ, còn ở Lc thì chưa; ở Lc các ông đã đi đánh cá xong rồi, còn ở Ga các môn đệ đang đánh cá; ở Ga các ông lúc đầu không nhận ra Đức Giêsu phục sinh; ở Lc Đức Giêsu ở trong thuyền với các ông, ở Ga Đức Giê su đứng trên bờ; ở Lc cá được đổ vào đầy hai thuyền, còn ở Ga cá vẫn nằm trong lưới và được kéo vào bờ; phản ứng của Si-mon khác nhau sau hai mẻ cá lạ; ở Lc không có bữa ăn do Chúa thiết đãi.
5. Mẻ cá lạ làm Si-môn kinh ngạc sững sờ. Khi nhận ra sự cao trọng và quyền năng của Đức Giêsu, thì đồng thời ông cũng nhận ra thân phận nhỏ bé và tội lỗi của chính mình. Ông đã không gọi Đức Giêsu là “Thầy” nữa (c. 5), nhưng là “Chúa” (c. 8). Ông đã phủ phục dưới chân Đức Giêsu, nghĩa là quỳ rất gần Ngài, nhưng mặt khác ông lại xin Ngài tránh xa ông (c. 8). Si-môn không mâu thuẫn, vì Đức Giêsu vừa hấp dẫn ông đến gần, vừa làm cho ông sợ và muốn tránh xa.
6. Nhìn chung, ai được gặp Thiên Chúa đều thấy mình bất xứng (Isaia 6,5; Êdêkien 1,28; Xuất hành 3,5-6).
7. Đức Giê su đã trấn an ông: “Đừng sợ.” Và Ngài mời ông giở qua một trang mới: “Từ nay về sau, anh sẽ bắt sống người ta” (Lc 5,10). Si-môn chuyên nghề đánh cá, bây giờ ông được mời bắt sống (= chinh phục) con người. Không bắt để làm chết như bắt cá, nhưng bắt để họ được sống.
8. Đức Giêsu đưa ra 2 mệnh lệnh cho Si-môn ở Lc 4,4 và Lc 4,10. Chắc mệnh lệnh sau khó hơn vì đòi hỏi phải bỏ lại tất cả để theo.
9. Điểm chung là từ “tất cả” (= hết”). Đức Giêsu đòi hỏi một sự từ bỏ trọn vẹn.
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.