Học hỏi Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa năm C

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA năm C
Lc 3,15-16.21-22
1. Đọc Lc 3, 15-16. Hãy cho thấy ông Gioan là người khiêm nhường.
2. Ai đã làm phép rửa cho Đức Giêsu? Khi Đức Giêsu chịu phép rửa, có sự hiện diện của những ai?
3. Khi nào thì trời mở ra? So sánh Lc 3,21 với Mc 1,10, có gì khác biệt không?
4. Tin Mừng Luca nói đến việc Đức Giêsu cầu nguyện lần đầu tiên khi nào? Tin Mừng Luca đã nói đến việc Đức Giêsu cầu nguyện vào những dịp nào? Đức Giêsu có thói quen cầu nguyện riêng không?
5. Khi nào thì Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu? Có gì giống nhau và khác nhau giữa việc Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu ở Luca 3,22 và ngự xuống trên các môn đệ trong sách Công vụ 1,14; 2,3-4?
6. Trong Tin Mừng Luca, ai đã nhận biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa? Đọc Lc 1,32. 35; 4,41; 8,28; 3,22; 9,35.
7. Đọc Tv 2,7 và Is 42,1. Hai câu trên có gì giống với Lc 3,22 không ? Vậy Lc 3,22 cho thấy Đức Giêsu là ai?
8. Bạn học được bài học nào từ việc Đức Giêsu chịu phép rửa bởi ông Gioan?
CÂU HỎI SUY NIỆM: Bạn có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa chưa? Bạn có thấy Chúa Thánh Thần hiện diện ở nơi bạn bao giờ chưa? Bạn có nghe tiếng Chúa Cha nói với bạn bao giờ chưa?

PHẦN TRẢ LỜI
1. Gioan Tẩy giả đã “đi khắp vùng ven sông Gio-đan rao giảng phép rửa hối cải để được ơn tha tội” (Lc 3,3). Ông đã thu hút nhiều người thuộc những giới khác nhau đến với ông (Lc 3,7-14). Chính vì thế mọi người đều tự hỏi phải chăng Gioan chính là Đấng Mêsia mà họ đang trông ngóng. Gioan tỏ ra khiêm nhường khi nhận hai điều: a/ tương lai sẽ xuất hiện một Đấng quyền thế hơn ông rất nhiều, đến nỗi ông không xứng đáng cởi quai dép của Ngài, và b/ phép rửa của ông chỉ bằng nước, nhằm chuẩn bị cho Đấng ấy, còn phép rửa của Đấng ấy thì trong Thánh Thần và lửa (Lc 3,16).
2. Tin Mừng Luca không nói rõ là Gioan Tẩy giả làm phép rửa cho Đức Giêsu, chỉ nói Ngài “cũng được chịu phép rửa,” cùng với toàn dân (Lc 3,21). Nhưng ta phải hiểu là Gioan đã làm phép rửa cho Đức Giêsu. Luca cũng không nói rõ có dân chúng hiện diện khi Đức Giêsu chịu phép rửa hay không, nhưng chắc chắn có sự hiện diện của Chúa Cha qua tiếng nói từ trời với Ngài, và sự hiện diện của Thánh Thần trên Ngài dưới hình dạng chim bồ câu (Lc 3, 21-22).
3. Trời mở ra khi Đức Giêsu đang cầu nguyện trước khi chịu phép rửa (Lc 3,21). Còn ở Mc 1,10, trời xé ra sau khi Đức Giêsu đã chịu phép rửa và lên khỏi nước. Khi cầu nguyện Đức Giêsu nói với Thiên Chúa Cha, và trời mở ra để chỉ việc Thiên Chúa Cha nói với Ngài (Lc 3,21).
4. Bài Tin Mừng này cho thấy lần đầu tiên Luca nói một cách rõ ràng về việc Đức Giêsu cầu nguyện. Ngài còn cầu nguyện vào nhiều dịp khác (Lc 5,16; 6,12; 9,18.28-29; 11,1; 22,32.40-46; 23,34.46). Điều đó cho thấy Đức Giêsu có thói quen cầu nguyện riêng, một mình
5. Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu khi Ngài đang cầu nguyện. Trong sách Công vụ, các môn đệ cũng cầu nguyện (Cv 1,14) và mỗi người được đầy Thánh Thần, và đã nhận được trên mình những lưỡi giống như lưỡi lửa (Cv 2,3-4).
6. Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu được nhận biết là Con Thiên Chúa bởi thiên sứ Gabrien (Lc 1,32. 35); bởi quỷ (Lc 4,41); bởi người bị quỷ ám (Lc 8,28); và bởi chính Thiên Chúa Cha (Lc 3,22; 9,35).
7. Khi nói về Đấng Vua Mêsia, thánh vịnh 2,7 có câu: “Con là Con của Cha…”. Khi nói về Người Tôi Trung, Isaia 42,1 có câu: “Đây là người Ta tuyển chọn, Ta hài lòng về Người. Ta đặt Thần Khí Ta trên Người…” Vậy tiếng từ trời ở Luca 3,22 cho thấy Đức Giêsu vừa là Đấng Mêsia, vừa là Người Tôi Trung chịu đau khổ.
8. Đức Giêsu, lúc đó đã trên 30 tuổi, nghe lời kêu gọi sám hối của Gioan, nên đến với ông để chịu phép rửa. Đấng là Con Thiên Chúa, giờ đây đứng xếp hàng chung với người tội lỗi. Đấng vô tội lại muốn đồng hành với những tội nhân. Chính lúc Ngài hạ mình xuống bên dòng nước, thì Chúa Cha nâng Ngài lên, bằng những biến cố phi thường xảy ra ở Lc 3,21-22.

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.