Học hỏi Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Hiển Linh năm C


HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH

Mt 2,1-12

  1. Bạn biết gì về con người của vua Hêrôđê? Tại sao vua này lại xao động khi nghe tin Đức Vua dân Do-thái mới sinh? Đọc Lc 2,1-3. Tại sao vua này lại hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao xuất hiện? Đọc Mt 2,7.
  2. Vào thời xưa, khi có một ngôi sao sáng xuất hiện, người ta thường coi đó là dấu hiệu báo chuyện gì sắp xảy ra? Đọc sách Dân số 24,1-17.
  3. Bạn biết gì về các nhà chiêm tinh? Họ đại diện cho ai? Tại sao trước đây họ được gọi là Ba Vua? Đọc Tv 72,10-11 và Isaia 60,3-6.
  4. Mục đích của các nhà chiêm tinh khi lên đường là gì? Có mấy động từ bái lạy trong đoạn Tin Mừng này? Đâu là ý nghĩa của cử chỉ bái lạy? Đọc Mt 4,9-10; 14,33; 15,25; 28,9.17.
  5. Đọc Lc 2,7 và Mt 2,11. Có gì khác biệt không?
  6. Để các nhà chiêm tinh gặp được vị Tân Vương, họ đã phải chuẩn bị và cố gắng như thế nào? Họ có lòng tin lớn không?
  7. Tìm trong bài Tin Mừng hai phản ứng trái nghịch của con người trước sự sinh ra của Con Thiên Chúa.
  8. Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu được gọi bằng những tước hiệu gì? Đọc 2 Sam 5,2.
  9. Qua việc kể lại chuyện của các nhà chiêm tinh đến bái lạy Chúa, thánh Mát-thêu muốn truyền đạt cho chúng ta thông điệp quan trọng gì? Đọc Mt 12,21; 28,19-20.
  10. CÂU HỎI SUY NIỆM: Thiên Chúa đã có thể dùng những ngôi sao để chỉ đường cho Dân Ngoại đến gặp Đức Giêsu. Hôm nay, bạn thấy Thiên Chúa dùng những cách nào để lôi kéo những người chưa biết Chúa?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Vua Hêrôđê này là Hêrôđê Cả, ông là cha của vua Hêrôđê đã giết Gioan Tẩy giả sau này. Ông làm vua từ năm 40 trước Công nguyên. Hêrôđê Cả không phải là người Do-thái, nên ông sợ người Do-thái lấy lại ngai vàng của mình. Ông đã giết bà Ma-ri-am-mê, người vợ Do-thái của ông. Ông cũng giết ba người con trai vì sợ các con chiếm ngôi. Như vậy ta không lạ gì khi thấy ông bối rối lo sợ trước tin “Đức Vua dân Do-thái mới sinh.” Vua Hêrôđê hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao xuất hiện (Mt 2,7) vì ông muốn biết chính xác thời điểm Vị Tân Vương ra đời. Ông muốn biết rõ điều đó vì ông muốn giết không sót một trẻ thơ nào trong độ tuổi của Vị Tân Vương ấy.
  2. Vào thời xưa, ở vùng Trung Đông, các nhà chiêm tinh hay các đạo sĩ coi việc một ngôi sao sáng xuất hiện trên bầu trời là dấu hiệu cho thấy một vị vua lớn mới chào đời.
  3. Các nhà chiêm tinh hay các đạo sĩ là những người thuộc giới trí thức. Họ có thể là các tư tế hay cố vấn cho các vua trong triều đình. Trong bài Tin Mừng hôm nay, họ là đại diện cho dân ngoại từ phương xa đến bái lạy Vị Tân Vương của dân Do-thái. Trước đây chúng ta quen gọi các nhà chiêm tinh là Ba Vua, có lẽ vì đã dựa trên Thánh vịnh 72,10-11 và Isaia 60,3-6.
  4. Các nhà chiêm tinh bước vào cuộc hành trình dài chỉ với mục đích là đến bái lạy Vị Vua dân Do-thái mới sinh (Mt 2,2). “Bái lạy” là thái độ chủ yếu họ muốn làm trước Vị Ấu Vương này. Có 3 động từ “bái lạy” trong bài Tin Mừng này ở các câu 2, 8 và 11. Tin Mừng Mát-thêu dùng nhiều lần động từ “bái lạy”. Đức Giêsu đã từng bị cám dỗ “sấp mình bái lạy” quỷ dữ trong hoang địa (Mt 4,9). Nhưng Ngài đã chiến thắng, và cho nó biết “bái lạy” là cử chỉ dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi (Mt 4,10). Bái lạy đồng nghĩa với “thờ phượng” (Mt 4,10). Trong Tin Mừng Mát-thêu, các môn đệ thường bái lạy chính Đức Giêsu (14,33; 15,25; 28,9.17). Bái lạy đòi phải sấp mình xuống đất.
  5. Luca 2,7 cho thấy cảnh Đức Mẹ cùng với Hài nhi Giêsu mới sinh, được đặt nằm trong máng cỏ ở Belem. Còn Mát-thêu 2,11 lại cho thấy cảnh Đức Mẹ với Hài nhi đã lớn hơn, đang ở trong nhà cũng thuộc vùng Belem. Cảnh trong Mát-thêu chắc chắn xảy ra vào thời gian muộn hơn sau này.
  6. Để gặp được vị Tân Vương các nhà chiêm tinh phải chuẩn bị đi một đoạn đường xa cả ngàn cây số. Họ phải tiên liệu mọi sự cho chuyến đi vất vả này. Nhưng niềm tin và niềm hy vọng gặp được vị Vua mới sinh khiến họ vui sướng chấp nhận mọi gian lao của cuộc hành trình. Họ tin vào sự hướng dẫn của ngôi sao lạ trên đường đi, một ngôi sao khi tỏ khi mờ. Và khi đến nhà của Hài nhi, họ đã bày tỏ lòng tin bằng thái độ sấp mình bái lạy.
  7. Trước sự hạ sinh của Con Thiên Chúa, có hai thái độ đối nghịch. Một là thái độ của vua Hêrôđê ở ngay Giêrusalem: bối rối, sợ hãi, coi đây là kẻ thù đe dọa ngai vàng của mình, tìm cách thủ tiêu triệt hạ bằng mọi giá. Hai là thái độ của những nhà chiêm tinh, những người dân ngoại ở phương xa: háo hức muốn gặp, muốn đến bái lạy, muốn đến dâng lễ vật, vui sướng lao vào cuộc hành trình dài, không ngại những khó khăn hiểm trở…
  8. Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu được gọi bằng những tước hiệu sau: Vua dân Do-thái (c. 2), Đấng Kitô (c. 4), Vị Lãnh tụ chăn dắt dân Ítraen (c. 6).
  9. Qua câu chuyện trong bài Tin Mừng này, thánh Mát-thêu muốn gửi đến cho chúng ta một thông điệp quan trọng trong mùa Giáng sinh. Đó là: Đức Giêsu không chỉ là Vua của dân Do-thái, cũng không chỉ là Đấng Kitô mà dân Ítraen mong đợi, Ngài còn là Đấng Cứu độ của muôn dân tộc trên mặt đất (Mt 12,21), của cả Dân Ngoại. Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Hài nhi là dấu hiệu của việc “nhiều người từ Phương Đông Phương Tây sẽ đến dự tiệc Nước Trời” (Mt 8,11).

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.